10:14 30/06/2008

Gay cấn cuộc đua năng lượng Trung-Ấn

Trung Việt

Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung dầu từ OPEC

Các nước thuộc OPEC hiện chiếm phần lớn trữ lượng dầu mỏ của thế giới.
Các nước thuộc OPEC hiện chiếm phần lớn trữ lượng dầu mỏ của thế giới.
Với nhu cầu dầu mỏ tăng tới 83% năm 2030, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung dầu từ OPEC.

Đó là dự báo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), công bố ngày 25/6. EIA còn dự báo nhu cầu về năng lượng trên toàn thế giới tăng 50% vào năm 2030.

Trung Quốc sẽ tiêu thụ 10% sản lượng dầu thế giới

Báo cáo của EIA khẳng định, sản lượng dầu của các nước không thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu dầu mỏ ngày càng tăng và buộc những nước "khát" dầu phải phụ thuộc nhiều hơn vào OPEC.

EIA đã hạ thấp mức dự báo sản lượng của các nước ngoài OPEC vào năm 2010 xuống còn 51,8 triệu thùng/ngày, giảm 1,1 triệu thùng so với dự báo năm 2007. Trong khi đó, các nước OPEC quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu 400.000 thùng/ngày, xuống còn 37,8 triệu thùng/ngày. Tổng sản lượng dầu nói trên của các nước trong và ngoài OPEC tạm thời đáp ứng đủ nhu cầu dầu thế giới trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, với nhu cầu về dầu mỏ tăng tới 83% vào năm 2030 tại các nước đang phát triển và 19% của các nước công nghiệp hoá, tình trạng khan hiếm dầu sẽ đẩy các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ như Trung Quốc, Ấn Độ... phụ thuộc hơn vào các nước OPEC.

Theo EIA, tới năm 2010, Trung Quốc sẽ tiêu thụ 10% sản lượng dầu của toàn thế giới, tương ứng 8,8 triệu thùng/ngày.

Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới về tiêu thụ dầu mỏ với 7,2 triệu thùng/ngày, chỉ sau Mỹ. Kể từ năm 2002, nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng từ 5-10%/năm. Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến dầu tăng giá là do nhu cầu dầu ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ tăng.

Tại Hội nghị Năng lượng quốc tế vừa diễn ra ở Arập Xêút ngày 22/6, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, năng lượng Trung Quốc chủ yếu dựa vào cung cấp trong nước, với mức tự cung khoảng 90%. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc tăng khá nhanh, nhưng mức tiêu thụ bình quân đầu người chỉ tương đương 84% mức bình quân trên thế giới; lượng nhập khẩu dầu mỏ bình quân đầu người chỉ tương đương 37% của thế giới.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng giá dầu quốc tế tăng với mức lớn, khiến kinh tế toàn cầu xuất hiện những nhân tố mới không xác định, cục diện này là thách thức gay cấn đối với các nước sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ, cộng đồng quốc tế cần phải xây dựng một quan niệm về an ninh năng lượng mới, thực hiện hợp tác cùng có lợi.

Đua năng lượng Trung-Ấn

Dù không “ngốn” nhiều dầu bằng Trung Quốc, nhưng nhu cầu dầu của Ấn Độ đã ở mức 2,7 triệu thùng/ngày. Giá dầu cao đã góp phần đẩy lạm phát của Ấn Độ lên mức 11%.

Trong khi các nước OPEC liên tiếp từ chối tăng sản lượng, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu dầu và phải lệ thuộc ngày càng nhiều vào OPEC. Trong chiến lược năng lượng của mình, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã và đang tìm cách đa dạng hoá nguồn cung.

Nhằm tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề thiếu năng lượng, Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực thực thi thoả thuận hạt nhân đã ký kết với Mỹ năm 2006. Theo đó, cho phép Ấn Độ tiếp cận công nghệ hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, tuần trước, căng thẳng giữa Đảng Quốc đại của Thủ tướng M.Singh với liên minh 4 đảng cánh tả đã gia tăng, vì Đảng Cộng sản phản đối dữ dội “quan hệ đối tác chiến lược của Ấn Độ với Mỹ”.

Trong khi, Thủ tướng Singh lập luận rằng: Thỏa thuận hạt nhân với Mỹ có ý nghĩa sống còn đối với an ninh năng lượng Ấn Độ, vì Ấn Độ đang phải nhập khẩu tới 70% nhu cầu dầu thô và dự kiến còn tăng theo đà phát triển kinh tế.

Cuộc đua năng lượng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang và sẽ mãnh liệt hơn, khi cả hai bên đều đẩy mạnh tìm kiếm nhiên liệu trên thế giới.

Trong cuộc đua này, Trung Quốc đang dẫn trước Ấn Độ vì có nhiều tiền và năng động hơn. Trong 5 năm (2000-2005), công ty nhà nước CNPC - công ty sản xuất dầu chủ chốt của Trung Quốc đã đầu tư 45 tỷ USD vào các nguồn năng lượng mới, trong khi ONGC - công ty dầu khí nhà nước Ấn Độ, mới bỏ ra 3,5 tỷ USD.

Gần đây, Ấn Độ bắt đầu tăng cường quan hệ với châu Phi, giành được quyền khai thác dầu ở Sudan và Nigeria bên cạnh Libya, Algeria, Ai Cập... Tuy nhiên, Trung Quốc đã xuất hiện ở châu Phi từ trước và vẫn mạnh hơn hẳn Ấn Độ.