Giá chè xuất khẩu thấp do chưa xây dựng được thương hiệu
Giá chè tiêu thụ trong nước hiện dao động ở mức từ 120.000 - hàng triệu đồng/kg; trong khi đó, giá chè xuất khẩu chỉ khoảng trên 40 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này là do chè xuất khẩu thường chỉ là chè thô, đóng trong bao lớn, không có nhãn mác…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu 15 nghìn tấn chè, đem về 26 triệu USD, tăng 39,1% về lượng và tăng 39,3% về giá trị so với tháng 9/2024. Luỹ kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu chè đạt 108 nghìn tấn và 189 triệu USD; tăng 31,9% về lượng và tăng 34,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
XUẤT KHẨU CHÈ TĂNG MẠNH, VẪN CHỈ BẰNG 5% SO VỚI CÀ PHÊ
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu chè lớn thứ 8 trên thế giới. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Pakistan tiếp tục là thị trường tiêu thụ chè Việt Nam lớn nhất, với doanh thu 70 triệu USD trong 9 tháng năm 2024, tăng 11,3% so với năm ngoái. Trung Quốc cũng đã tăng mạnh lượng mua chè từ Việt Nam, với gần 15 triệu USD trong 9 tháng năm 2024, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu chè sang Hoa Kỳ cũng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu đáng kể, với gần 8 triệu USD.
Về giá bán trong 9 tháng năm 2024, chè xuất khẩu sang Pakistan vẫn giữ mức cao nhất, trên 2.000 USD/tấn. Các thị trường khác như Mỹ và châu Âu dao động từ 1.600 đến 1.800 USD/tấn.
Các doanh nghiệp nhận định, năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu chè, với nhiều thị trường tăng mua từ 50% đến 230%. Họ kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng này trong 3 tháng cuối năm đạt kỷ lục, có thể cả năm vượt qua mốc 229 triệu USD của năm 2011. Trước đó, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 85.000 tấn chè, thu về 157 triệu USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với tổng diện tích lên đến 130.000ha. Loại cây này chủ yếu được trồng tại các tỉnh thành thuộc khu vực trung du, miền núi, những nơi có khí hậu mát mẻ như trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn là Thái Nguyên (22.300ha), Lâm Đồng (10.800ha), Hà Giang (21.500ha), Phú Thọ (16.100ha)...
Với lịch sử trồng chè từ hàng nghìn năm, cây chè từng được ví như "vàng xanh" của Việt Nam. Các sản phẩm từ cây chè Việt Nam ngày càng đa dạng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Hiện nay, Việt Nam có đa dạng giống chè, theo thống kê có đến 170 giống chè các loại bảo đảm chất lượng và cho năng suất cao. Trong đó, có hơn 30 giống chè cho năng suất và chất lượng tốt và sản xuất nhiều loại sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường như chè xanh sợi, chè xanh viên, chè xanh bột, chè ô long, chè đen OTD, chè đen CTC và các sản phẩm từ chè shan tuyết.
Tuy nhiên, chè ngày càng “thất thế” so với loại đồ uống khác là cà phê. Trong khi xuất khẩu cà phê đã vượt qua 4 tỷ USD, thì xuất khẩu chè vẫn “lận đận” ở con số dưới 200 triệu USD, tức là chỉ bằng 5% so với cà phê.
GIÁ CHÈ XUẤT KHẨU CHỈ BẰNG 1/3 GIÁ CHÈ TRONG NƯỚC
Giá chè xuất khẩu bình quân 9 tháng chỉ đạt 1.752 USD/tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá cà phê liên tục tăng cao ngất ngưởng trong thời gian qua. Tháng 9/2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 5.469 USD/tấn - mức cao nhất từ trước đến nay. Tính chung 9 tháng năm 2024, mỗi tấn cà phê xuất khẩu bình quân đạt 3.897 USD một tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số trên cho thấy, giá trị của chè ngày càng trở nên “hiu hắt” so với cà phê. Nếu quy giá xuất khẩu ra tiền Việt Nam, mỗi kg chè xuất khẩu chỉ tương với 43.000 đồng tiền. Mỗi kg chè pha được tới 60 ấm trà, tính ra mỗi ấm trà chưa tới 1.000 đồng.
Nhưng điều nghịch lý hơn, là giá chè xuất khẩu hiện chỉ bằng 1/3 so với giá chè tiêu thụ trong nước. Hiện giá bán chè trong nước dao động từ 120.000 đồng đến 800 nghìn đồng/kg, tùy thuộc vào loại trà và thương hiệu.
Lý giải về giá bán chè xuất khẩu quá thấp so với chè tiêu thụ trong nước, Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết chè xuất khẩu thường chỉ là chè thô, đóng trong bao lớn, không có nhãn mác; các đối tác nhập khẩu mua về sau đó đóng gói nhỏ, dán nhãn mác của họ rồi đem đi tiêu thụ. Do đó, người tiêu dùng chè ở các nước không biết đó là chè có xuất xứ từ Việt Nam.
Để nâng cao giá chè xuất khẩu, vấn đề quan trọng là phải xây dựng thương hiệu cho chè Việt Nam. Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, cho biết tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng thương hiệu cho Chè Thái Nguyên trên thị trường thế giới.
Hiện nay, Thái Nguyên là địa phương có sản lượng, diện tích chè dẫn đầu cả nước, với trên 22,2 nghìn ha. Sản phẩm chè Thái Nguyên được chế biến bằng phương pháp truyền thống bán cơ giới và công nghiệp, đã có mặt trên thị trường 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước trên thế giới. Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1 ha chè đạt 270 triệu đồng/ha.
Theo ông Sỹ, phần lớn chè Thái Nguyên vẫn tiêu thụ ở thị trường trong nước, đạt gần 40 nghìn tấn, với giá tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định, hiện đang ở mức từ 120-220 nghìn đồng/kg chè thành phẩm loại trung bình; 280 - 450 nghìn đồng/kg chè xanh đặc sản; một số sản phẩm trà cao cấp có giá trị cao đạt từ 1,5 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/kg.
"Việc xây dựng, phát triển chè Thái Nguyên thành thương hiệu quốc gia sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị để đa dạng hóa các sản phẩm chè, từ đó đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu ở nhiều quốc gia trên thế giới”.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên.
Tỉnh Thái Nguyên xác định hướng đến mục tiêu đầu tư phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Sỹ cho hay đến nay, tổng diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được cấp chứng nhận đạt 4356,7 ha; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified 11 ha và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127 ha, trong đó có 65 ha được cấp chứng nhận hữu cơ.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 1 chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chè đã được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu ÂU (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); 2 nhãn hiệu chứng nhận là “Chè Phú Lương” và “Chè Võ Nhai”; 9 nhãn hiệu tập thể, gồm: “Chè Thái Nguyên”, “Chè La Bằng”, “Chè Tức Tranh”, “Chè Vô Tranh”, “Chè Trại Cài”, “Chè Đại Từ”, “Chè Phổ Yên”, “PD Phú Đạt GREEN TEA”, “Thanh Tình Hợp tác xã Chè”. Ngoài ra, có 96 nhãn hiệu thông thường của các tổ chức, cá nhân được cấp văn bằng bảo hộ.
Đến thời điểm này, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã chính thức được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, gồm Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.