Giá cổ phiếu tăng quá nóng
Số lượng đặt mua trên thị trường đã tăng vọt với khối lượng lớn ở mức giá trần, góp phần tạo ra cơn sốt đặt mua cổ phiếu trong ngày 19/1
Số lượng đặt mua trên thị trường đã tăng vọt với khối lượng lớn ở mức giá trần, góp phần tạo ra cơn sốt đặt mua cổ phiếu trong ngày 19/1.
Phiên ngày 19/1, tại sàn Tp.HCM, giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh làm cho VN-Index tăng nhiều nhất so với các phiên từ trước đến nay, lên mức kỷ lục, vượt xa mức 1.000 điểm.
Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường giảm gần 300 tỷ nhưng vẫn vượt qua mức 1.000 tỷ đồng. Tại sàn Hà Nội, chỉ số Hastc-Index tiếp tục tăng mạnh, lên 321,3 điểm, tăng 5,34 điểm so phiên trước, giao dịch toàn thị trường đạt 2.767.500 cổ phiếu, trị giá 272,787 tỷ đồng.
Thông báo của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM về giao dịch với khối lượng khá lớn cố phiếu của cổ đông nội bộ từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 4/2007 (cổ đông lớn-các mã cổ phiếu SGC, TYA, DCT, ITA, GMD, CII, SJS và TDH) mà chủ yếu là giao dịch bán ra rất ít tác động đến cơn sốt đặt mua cổ phiếu trong ngày 19/1.
Ngày từ 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng, tại hầu hết các sàn giao dịch của các công ty chứng khoán ở Tp.HCM đều quá tải, chặt ních người, chen chúc nhau gửi xe máy, xếp hàng chờ công ty chứng khoán mở cửa (nhiều công ty chỉ mở cửa lúc 7 giờ 30) để được đặt lệnh sớm nhất.
Sau khi mở cửa, các nhà đầu tư xô đẩy nhau, xếp hàng đưa lệnh đặt mua. Tại sàn Tp.HCM, ngay từ đợt 1, số lượng đặt mua đã tăng vọt với khối lượng lớn ở mức giá trần làm cho gần 297 tỷ đồng được khớp lệnh, chỉ số VN-Index cũng vụt lên 1.024 điểm, tăng 40,91 điểm, đợt 2 tiếp tục nóng bỏng với 544 tỷ đồng được khớp lệnh, VN-Index tăng 39,88 điểm so hôm trước.
Vào giờ đóng cửa, có 62 cổ phiếu tăng giá, 28 cổ phiếu giảm giá và 16 cổ phiếu đứng giá, VN-Index tăng kỷ lục, lên 1.023 điểm, tăng 39,96 điểm (tăng 4,06%) so phiên trước.
Kết thúc phiên, 5 cổ phiếu có giá tăng nhiều nhất là FPT (tăng 27.000 đồng/cổ phiếu), PVD (+14.000 đ/cổ phiếu), SAM tăng 11.000 đồng, BMP và SJS tăng 10.000 đồng/cổ phiếu.
Năm cổ phiếu có giá giảm nhiều nhất là NAV giảm 5.000 đồng, SGH và SFN giảm 3.500 đồng, VID và SJ1 giảm 2.500 đồng/cổ phiếu.
Năm cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh lớn nhất là PRUBF1 với 860.250 chứng chỉ quỹ (giá tăng 200 đồng), VNM có 849.060 cổ phiếu, VF1 có 659.460 chứng chỉ quỹ, giá tăng 200 đồng, STB với 499.510 cổ phiếu, giá tăng 4.000 đồng và CII có 390.640 cổ phiếu được khớp lệnh với giá đóng cửa tăng 1.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 6,5 triệu cổ phiếu, trị giá 768,716 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận cổ phiếu tăng vọt lên 646.000 cổ phiếu, trị giá 95,723 tỷ đồng, trong đó có giao dịch thỏa thuận 255.000 cổ phiếu STB, trị giá hơn 22 tỷ đồng. Giao dịch chứng chỉ quỹ đạt 41,72 tỷ đồng, giao dịch trái phiếu đạt 116 tỷ đồng.
Đáng lưu ý là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều so phiên trước, mua vào nhiều hơn bán ra. Họ mua hơn 1,84 triệu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trị giá 354,5 tỷ đồng, bán ra 1,147 triệu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trị giá 187,85 tỷ đồng. Họ mua thỏa thuận 215.000 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và bán thỏa thuận 155.000 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.
Thông tin quan trọng có thể sẽ ảnh hưởng đến phiên giao dịch đầu tuần này là Công ty Vinamilk công bố trả cổ tức đợt 2/2006 là 10% (bằng tiền mặt) và phát hành thêm 8.347.500 cổ phiếu cho cổ đông hiện tại theo phương thức phát hành quyền mua với tỷ lệ 20:1 (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được quyền mua 1 cổ phiếu), giá phát hành 10.000 đ/cổ phiếu.
Thông tin này đã tác động làm cho giao dịch cổ phiếu VNM tăng mạnh trong phiên 19/1, tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh lên tới 849.060 cổ phiếu, tăng hơn 100.000 cổ phiếu so phiên trước và chỉ đứng sau PRUBF1, giá đóng cửa cũng tăng 9.000 đ/cổ phiếu.
Công ty REE công bố phát hành 4.450.590 cổ phiếu để huy động 421 tỷ đồng tài trợ vốn cho các dự án bất động sản. Đối tượng phát hành là các nhà đầu tư lớn được REE mời tham dự đấu thầu riêng lẻ, giá phát hành tối thiểu bằng 90% giá đóng cửa bình quân của 10 phiên giao dịch từ ngày 27/12/2006 đến 10/1/2007.