Giá dầu phục hồi mạnh hai phiên liên tiếp
Đầu tuần này, giá dầu thế giới sụt giảm chóng mặt do thương chiến Mỹ-Trung leo thang
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi thị trường hy vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ giảm thêm sản lượng. Phiên hồi phục diễn ra bất chấp Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể tăng trưởng yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Đầu tuần này, giá dầu thế giới sụt giảm chóng mặt do lo ngại thương chiến Mỹ-Trung leo thang có thể gây suy thoái kinh tế toàn cầu, làm nhu cầu tiêu thụ năng lượng suy yếu.
Hôm thứ Ba, giá dầu Brent rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) do đã giảm 20% so với mức đỉnh gần nhất thiết lập vào tháng 4. Tiếp đó, vào ngày thứ Tư, giá dầu WTI rớt xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Sau đó, giá dầu đã phục hồi mạnh liên tiếp trong hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu nhờ kỳ vọng OPEC hạ sản lượng khai thác dầu.
Theo một số nhà phân tích, giá dầu đã giảm quá nhanh và quá sâu, tạo dư địa cho sự hồi phục.
Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại New York, giá dầu WTI giao tháng 9 tăng 1,96 USD/thùng, tương đương tăng 3,7%, chốt ở 54,5 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 10 tại thị trường London chốt phiên với mức tăng 1,15 USD/thùng, tương đương tăng 2%, đạt 58,53 USD/thùng.
Nhưng do mức giảm lớn trong 3 phiên đầu tuần, giá dầu WTI giảm 2,1% trong tuần này, còn giá dầu Brent giảm 5,4%.
Báo cáo của IEA ngày thứ Sáu hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2019 về 1,1 triệu thùng/ngày, giảm 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước. Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu 2020 giảm 50.000 thùng/ngày, còn 1,3 triệu thùng/ngày.
Cũng theo báo cáo này, nhu cầu dầu của Ấn Độ, Saudi Arabia, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu đang giảm xuống. Nhu cầu xăng ở Mỹ cũng giảm tốc dù đang là mùa lái xe cao điểm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc tăng lên.
"Bất chấp báo cáo của IEA, giá dầu vẫn tăng trong phiên ngày thứ Sáu, bởi sự suy giảm nhu cầu này là điều đã được lường trước", nhà phân tích Giovanni Staunovo thuộc ngân hàng UBS nhận xét với hãng tin CNBC.
Bên cạnh đó, giá dầu có thể cũng đang được hỗ trợ bởi xu hướng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuần này, ít nhất 4 nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã hạ lãi suất.
Bộ Năng lượng Nga nói rằng dự báo của IEA tương đồng với dự báo của nước này về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Nga cũng cho biết nước này đã tính đến khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm tốc khi quyết định gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng với OPEC. Thỏa thuận này được thực thi từ đầu năm và được gia hạn vào đầu tháng 7 vừa qua.
Một quan chức của Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, hôm thứ Tư tiết lộ với hãng tin Reuters rằng nước này dự kiến xuất khẩu dầu dưới 7 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 8 và tháng 9 để giảm bớt tình trạng thừa dầu trên toàn cầu.
Tuy nhiên, sản lượng dầu của Nga đã tăng lên mức 11,32 triệu thùng/ngày trong thời gian 1-8/8, so với mức 11,15 triệu thùng/ngày bình quân của tháng 7, nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.
Cung mạnh, cầu yếu là nguyên nhân chính khiến giá dầu WTI và Brent hiện giảm khoảng 20% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 4.