08:07 09/05/2019

Giá dầu tăng do lượng tồn kho của Mỹ bất ngờ sụt giảm

Diệp Vũ

Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục khiến nhà đầu tư lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng

Một mỏ dầu ở vùng Permian, Basin thuộc bang Texas của Mỹ, tháng 8/2018 - Ảnh: Reuters/CNBC.
Một mỏ dầu ở vùng Permian, Basin thuộc bang Texas của Mỹ, tháng 8/2018 - Ảnh: Reuters/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, nhờ dữ liệu cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ bất ngờ giảm xuống. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục khiến nhà đầu tư lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, theo đó gây áp lực giảm giá lên "vàng đen".

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,72 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 62,12 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 0,49 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, chốt ở 70,37 USD/thùng.

Hãng tin CNBC dẫn báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho hay tồn kho dầu thô của nước này giảm 4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3/5. Trước đó, giới phân tích dự báo mức tăng 1,2 triệu thùng.

Tồn kho xăng cũng giảm 596.000 thùng, tồn kho các sản phẩm chưng cất giảm 159.000 thùng.

"Báo cáo có tác dụng hỗ trợ giá dầu, bởi có sự sụt giảm mạnh trong khối lượng dầu nhập khẩu" dẫn tới tồn kho giảm - nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital nhận định. "Sự suy giảm lượng dầu tồn kho diễn ra bất chấp hoạt động của các nhà máy lọc dầu đang ở mức thấp".

Năm nay, giá dầu thế giới đã tăng hơn 30% do triển vọng nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt vì lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Iran và Venezuela - hai thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Một nhân tố quan trọng khác đẩy giá dầu tăng là việc OPEC và Nga thực thi một kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày.

Mặc dù vậy, sự tăng giá của dầu vẫn đang bị đe dọa bởi xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong một tuyên bố ngày thứ Tư, Chính phủ Mỹ cho biết sẽ tăng thuế quan lên 25% từ 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày thứ Sáu tuần này. Hiện chưa rõ vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra ở Washington vào ngày thứ Năm và thứ Sáu có thể đi đến một thỏa thuận và chặn việc nâng thuế này lại.

"Thị trường đang lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu lại rơi vào một cuộc chiến thương mại leo thang, gây tổn hại nhu cầu tiêu thụ dầu", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét. "Bởi vậy mà nhà đầu tư vẫn bi quan".

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ Tư, nhập khẩu dầu thô của nước này đạt kỷ lục trong tháng 4, bình quân 10,64 triệu thùng/ngày. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Với lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên ngành dầu lửa của Iran và Venezuela, các nhà phân tích nói rằng nguồn cung dầu toàn cầu vẫn đang trong khuynh hướng bị thắt lại. Trong khi đó, OPEC chưa có tín hiệu rõ ràng nào cho thấy sẽ sớm nâng sản lượng trở lại để bù đắp.

Nguồn thạo tin từ vùng Vịnh cho hay Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC có thể sẽ duy trì mức xuất khẩu dầu thô dưới mức 7 triệu thùng/ngày trong tháng 6, trong khi sản lượng khai thác dầu của nước này sẽ giữ dưới mức hạn ngạch sản lượng quy định trong thỏa thuận giữa OPEC và Nga.

Cuộc họp để bàn về sản lượng dầu của OPEC dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6.