09:08 07/12/2009

“Giá đường đang rất khó đoán định”

Y Nhung

Giá đường trong nước tiếp tục tăng cao, ngay cả chuyên gia trong ngành cũng không thể dự đoán về xu hướng của mặt hàng này trong thời gian tới

Những ngày qua, giá đường trắng bán lẻ trên thị trường đã chạm "mốc" 20.000 đồng/kg.
Những ngày qua, giá đường trắng bán lẻ trên thị trường đã chạm "mốc" 20.000 đồng/kg.
Những ngày qua, giá đường trắng bán lẻ trên thị trường đã chạm "mốc" 20.000 đồng/kg. Nhiều chuyên gia trong ngành mía đường cũng không thể dự đoán về xu hướng của mặt hàng đường trong thời gian tới.

Trao đổi với VnEconomy, ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VCSA) cho biết, trong niên vụ 2009/2010 dự báo sản lượng đường thiếu hụt trên toàn cầu có thể là 4,5-6 triệu tấn.

Hiện trên cả nước, số nhà máy mía đường đã chính thức bước vào vụ sản xuất là bao nhiêu thưa ông?

Từ đầu tháng 10 đã có 10/10 nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ sản xuất.  Sang tháng 11, các nhà máy ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên cũng lần lượt bắt đầu.

Những ngày đầu tháng 12, ở các tỉnh phía bắc các nhà máy mía đường lớn như: Lam Sơn, Việt Đài, Tate & Lyle cũng đã chính thức đi vào sản xuất.

Như vậy, tính đến nay cả nước đã có 37/40 nhà máy mía đường đang hoạt động. Chỉ còn ba nhà máy đường ở miền Trung là Quang Phú, Phổ Phong, Khánh Hòa sẽ vào vụ sau 1/1/2010.

Vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính khiến giá đường trong nước gần đây liên tục tăng và những ngày qua đã chạm “mốc” 20.000 đồng/kg?

Sau ba năm dư thừa đường lớn, sản lượng đường trên toàn thế giới đã sụt giảm mạnh trong niên vụ 2009/2010. Dự báo sản lượng đường thiếu hụt trên toàn cầu có thể là 4,5-6 triệu tấn.

Ấn Độ là nước sản xuất đường lớn thứ hai trên thế giới, do khô hạn sản lượng đường đã giảm sút nghiêm trọng từ mức 30,6 triệu tấn niên vụ 2006/2007, xuống chỉ còn 17,2 triệu tấn trong niên vụ này. Do đó, quốc gia này đã phải nhập khẩu đường với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tại Braxin nước sản xuất đường lớn trên thế giới, do thời tiết xấu cộng với khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ngăn cản các nhà sản xuất tăng công suất  nên sản lượng đường vụ 2009/2010 không thể bù đắp cho sự thiếu hụt chung của toàn cầu.

Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến thời gian qua, giá đường trên thế giới liên tục lập kỷ lục mới. Cụ thể vào ngày 18/11, giá đường trắng tại thị trường Luân Đôn đã lên mức 624,5 USD/tấn, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/1981. Giá chào bán đường của Thái Lan với Việt Nam đã có lúc lên tới 635-640 USD/tấn.

Còn ở miền Trung và Tây Nguyên, tiếp sau cơn bão số 9 vào cuối tháng 9, áp thấp nhiệt đới vào giữa tháng 10, bão số 11 vào đầu tháng 11 đã gây thiệt hại cho các vùng trồng mía nguyên liệu. Điều này đã khiến cho nhiều nhà máy đường khu vực miền Trung và Tây Nguyên phải lùi thời gian vào vụ khoảng nửa tháng.

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để phối hợp và giữ ổn định việc cung cấp mía nguyên liệu cũng như giá cả, các nhà máy đường đã phải thực hiện ngừng ép luân phiên 10 ngày/tháng theo lịch đã thỏa thuận.

Ngoài ra, theo đánh giá của các công ty mía đường, trong niên vụ này mía nguyên liệu ở các vùng như đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung- Tây Nguyên hụt khoảng 20%. Do đó, sản lượng đường cả nước vụ 2009/2010 sẽ giảm đáng kể so với mức 1,1 triệu tấn trong kế hoạch.

Như vậy, nhu cầu  về đường trong nước năm nay sẽ không được đáp ứng đầy đủ?

Tôi có thể khẳng định đường sản xuất trong nước cộng với lượng đường nhập khẩu và đường tồn kho của các nhà máy hoàn toàn có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Thêm vào đó, chỉ riêng tháng 12 này, các nhà máy đường có thể cung cấp ra thị trường sản lượng lên tới 200 nghìn tấn. Như vậy, sẽ không thiếu đường mà chỉ có những lúc hơi “căng” do lượng dự trữ không dồi dào như những năm trước.

Liệu điều này có khiến các nhà máy đường “găm hàng” chờ tăng giá?

Trường hợp này là rất khó xảy ra vì thông thường khi vào vụ giá đường sẽ hạ xuống. Thêm vào đó, áp lực từ lãi suất vay ngân hàng sẽ khiến các doanh nghiệp này không thể mạo hiểm. Vì vậy, hầu hết sản lượng sản xuất ra đều phải  bán ngay.

Có chăng hiện tượng đầu cơ chỉ có ở những nhà buôn lớn. Tuy nhiên, trước những diễn biến của thị trường như hiện nay, bản thân họ cũng rất “run” khi “găm” hàng.

Có ý kiến cho rằng việc VCSA đề nghị Bộ Công Thương không cấp phép nhập khẩu đường để bảo hộ sản xuất trong nước cũng là một nguyên nhân khiến giá đường leo thang trong những ngày qua?

VCSA chưa bao giờ kiến nghị không Bộ Công Thương không cấp phép nhập khẩu đường. Trong nước thiếu hụt đường thì việc nhập khẩu là cần thiết. Chúng tôi chỉ khuyến cáo việc cấp phép nên có sự cân nhắc để không làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Trên thực tế trong năm 2009, theo cam kết với WTO, Việt Nam được nhập khẩu 61 nghìn tấn đường trong hạn ngạch thuế quan. Theo đó, mức thuế là 25% đối với đường thô và 60% đối với đường kính trắng. Ngoài hạn ngạch, mức thuế thuế là 85%.

Tuy nhiên, Việt Nam đã là thành viên của khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), nên các doanh nghiệp đều nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực để được huởng mức thuế nhập khẩu chỉ là 10%. Chính điều này đã làm nảy này sinh tình trạng các doanh nghiệp xin được nhập khẩu để mua đường với giá rẻ và thuế thấp.

Năm nay, ngoài lượng đường được phép nhập khẩu theo hạn ngạch, Bộ Công Thương cũng đã cấp phép cho các doanh  nghiệp nhập khẩu thêm 30 nghìn tấn và gần đây lại cho nhập thêm 10 nghìn tấn nữa. Như vậy, số lượng đường Việt Nam được nhập khẩu trong 2009 là 111 nghìn tấn.

Tuy nhiên, theo báo cáo đến hết tháng 9, cả nước mới nhập khẩu được 74 nghìn tấn. Còn từ đó đến nay không biết các doanh nghiệp có tiếp tục nhập nữa hay không, nhưng không thấy có báo cáo. Rất có khả năng trong thời gian qua dù đã được cấp phép nhưng các đơn vị này vẫn chần chừ vì nghĩ khi vào vụ giá đường trong nước sẽ hạ, việc nhập khẩu sẽ không mang lại hiệu quả nhiều.

Nhưng nếu cứ bảo hộ thì ngành sản xuất mía đường trong nước sao có thể “lớn”, thưa ông?

Đúng là hiện nay giá đường nhập khẩu vẫn rẻ hơn giá đường trong nước (tuy mức chênh lệch giá có khác nhau tùy theo từng thời kỳ). Nhưng điều này chủ yếu là do những đặc thù riêng của nước ta.

Thực tế ở nước ta cũng đã có không ít nhà máy đường công nghệ và năng suất tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu mía của nước ta đều ở vùng sâu, vùng xa, giao thông  khó khăn, cơ giới hóa hạn chế. Trồng mía là các hộ đồng bào và nông dân nghèo, trình độ văn hóa thấp. Những vấn đề này đến nay vẫn chưa giải quyết được thì ngành mía đường không thể có được năng suất cao để cạnh tranh với các nước đã khá mạnh về ngành sản xuất này.

Theo ông, mía nguyên liệu tăng giá mạnh liệu có dẫn đến tình trạng người dân chặt phá các cây trồng khác để chuyển sang trồng mía?

Hiện các vùng mía nguyên liệu của cả nước đã đạt diện tích 300 nghìn ha theo quy hoạch. Do đó, VCSA không khuyến cáo mở rộng diện tích mà chỉ khuyến khích người trồng mía tập trung vào những giống mía có chất lượng và năng suất cao.

Vậy theo dự báo của ông tới đây giá đường sẽ đi theo xu hướng nào?

Cách đây độ một tuần, tôi đã nghĩ giá đường trong nước sẽ có xu hướng giảm, dù vẫn đứng ở mức cao. Giá bán buôn đường kính trắng ở các nhà máy sẽ không dưới 15.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, trước diễn biến của giá đường trên thế giới cùng nhiều yếu tố khác như giá xăng dầu và USD đều tăng cao đã khiến cho việc dự đoán giá đường trong thời gian tới là rất khó. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta tiếp tục ổn định thì giá đường trong nước có thể sẽ hạ xuống một chút.