11:19 24/12/2007

Giá nhiều mặt hàng giảm mạnh

Trong cơn "bão" giá, vẫn có những mặt hàng giảm giá khiến người tiêu dùng thoải mái hơn trong đợt chi tiêu lớn cuối năm

Các mặt hàng điện tử, điện máy, điện gia dụng đang giảm giá rầm rộ.
Các mặt hàng điện tử, điện máy, điện gia dụng đang giảm giá rầm rộ.
Trong cơn "bão" giá, vẫn có những mặt hàng giảm giá khiến người tiêu dùng thoải mái hơn trong đợt chi tiêu lớn cuối năm.

Sau nhiều đợt tăng giá dồn dập, đặc biệt trong tháng 10 - 11/2007, chỉ trong vòng 2 tuần qua, gas đã 2 lần giảm giá. Lần đầu từ 11.12, giá gas bán lẻ giảm khoảng 4.000 đồng/bình 12 kg, lần sau từ 14/12 tiếp tục giảm thêm 5.000 đồng/bình 12 kg, hiện ở mức 242.000 - 257.000 đồng/bình 12 kg.

Các công ty kinh doanh gas cho biết động thái này nhằm kéo người tiêu dùng quay lại sử dụng gas bởi sau nhiều đợt tăng giá, sức tiêu thụ chậm do người tiêu dùng dần chuyển sang sử dụng loại chất đốt khác.

Đại diện Công ty Gas Saigon Petro, cho biết: "Sau 1 tuần giảm giá, sức mua của thị trường có tăng nhẹ trở lại. Tuy vậy, chúng tôi chưa biết cầm cự mức giá hiện nay đến khi nào bởi vào tháng tới giá gas thế giới có dấu hiệu tăng". Giá gas bán lẻ giảm nhưng tình hình tiêu thụ chưa khả quan lắm.

Ở ngành viễn thông, sau đợt giảm giá cước mạnh của các nhà cung cấp dịch vụ di động từ giữa tháng 12/2007 (MobiFone, VinaPhone giảm cước trung bình 20%, Viettel giảm 15%), các nhà cung cấp dịch vụ cố định cũng “xắn tay” giảm cước.

Từ đầu tháng 1/2008, Bưu điện Tp.HCM bắt đầu cải cách các gói cước dịch vụ điện thoại cố định VNPT phục vụ khách hàng trên địa bàn Tp.HCM theo hướng khách hàng được ưu đãi sử dụng nhiều dịch vụ cộng thêm với mức cước tiết kiệm hơn.

Trước đây, khi đăng ký sử dụng các dịch vụ cộng thêm, khách hàng phải đóng cước cài đặt và cước thuê bao sử dụng dịch vụ cộng thêm hằng tháng cho từng dịch vụ. Với cách thực hiện mới, ngoài cước thuê bao 27.000 đồng/tháng, khách hàng chỉ phải trả thêm một khoản tiền cố định hằng tháng cho việc sử dụng các dịch vụ cộng thêm quy định trong từng gói cước.

Đơn cử gói dịch vụ cơ bản, được sử dụng nhiều nhất hiện nay, gồm: điện thoại nội hạt, gọi liên tỉnh, gọi quốc tế IDD, gọi 171 (liên tỉnh, quốc tế), gọi internet 12xx, gọi trả trước 1719, dịch vụ giá trị gia tăng (1900, 1800, 1080, 1081, hộp thư thông tin...); khách hàng được miễn phí cước cài đặt và cước thuê bao các dịch vụ cộng thêm, còn cước sử dụng dịch vụ cộng thêm vẫn áp dụng theo quy định hiện hành.

Còn Công ty Viễn thông Quân đội vẫn đang tiếp tục kéo dài chương trình giảm cước, khuyến mãi cho khách hàng lắp đặt mới điện thoại cố định, dịch vụ ADSL đến giữa tháng 1/2008.

Nhưng rầm rộ nhất trong các cuộc giảm giá hiện nay phải kể đến mặt hàng điện tử, điện máy, điện gia dụng. Tại các trung tâm điện máy trên địa bàn Tp.HCM như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Ideas... trong tháng 12 này, người tiêu dùng đang bị mê hoặc bởi các chiêu như: giá "chưa từng có", "cực sốc", giảm "tổng lực", giảm "bất ngờ"... Chưa khi nào người tiêu dùng có thể mua sắm hàng rẻ như lúc này: những chiếc ti vi LCD 32 inches chỉ khoảng 10 triệu đồng, máy ảnh kỹ thuật số 6-7 "chấm" chỉ hơn 4 triệu đồng; tủ lạnh, máy giặt cũng giảm giá mạnh...

Ở mặt hàng thực phẩm, giá thịt heo cũng đang giảm nhẹ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với đầu tháng 12. “Phán quyết” của người tiêu dùng thời gian qua là dứt khoát. Giá thịt heo cao thì quay sang dùng loại thực phẩm khác. Mặt khác, trên thực tế nguồn cung khá dồi dào thì không lý gì, giá thịt heo lại "theo chân" các mặt hàng để đẩy giá lên.

Không phủ nhận, giá nhiều mặt hàng đang giảm là do yếu tố cạnh tranh, do thanh lý số hàng tồn vào dịp cuối năm, do tính toán lại nhu cầu của thị trường của các doanh nghiệp... Mặt khác, các ngành hàng "lội ngược dòng" trong cơn bão giá chưa nhiều. Dẫu sao, phản ứng tích cực của nhiều doanh nghiệp đem lại sự hài lòng cho người tiêu dùng trong bối cảnh bùng phát tăng giá là đáng khuyến khích.