01:34 14/10/2009

Giá than tăng mạnh, các hộ sản xuất lớn đồng loạt kêu khó!

Nguyễn Mạnh

Việc điều chỉnh tăng giá than lần này gây không ít khó khăn cho các ngành sản xuất lớn như phân bón, xi măng, giấy

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương vừa mới đồng ý cho phép Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) điều chỉnh tăng giá bán than theo lộ trình tăng 25 - 30%.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá than lần này gây không ít khó khăn cho các ngành sản xuất lớn như phân bón, xi măng, giấy...

Cụ thể, giá  than cục bán cho sản xuất phân đạm được tăng 30%, sản xuất phân lân tăng 25%, than cám cho sản xuất xi măng, giấy cũng tăng 25%. Đến quý 4/2009, giá bán than cho các hộ này sẽ được điều chỉnh tăng lần nữa để đảm bảo thấp hơn giá xuất khẩu tối đa là 10%. Chỉ có ngành điện vẫn tiếp tục hưởng giá bán than ưu đãi (thấp hơn giá thành sản xuất đến 38%) trước khi điều chỉnh theo giá thị trường vào năm 2010.

Tuy nhiên, theo tính toán, với việc tăng giá than lần này thì chi phí  của các ngành sản xuất như phân bón, giấy, xi măng... sẽ bị đội lên cao, từ đó đẩy các ngành sản xuất này vào thế “tiến thoái lưỡng nan”  vì giá bán khó có thể tăng tương ứng.

Hiện nay, giá các loại phân bón trong nước đang có chiều hướng hạ  xuống, nguyên nhân chủ yếu là do chênh lệch về  cung – cầu trong nước. Các địa phương miền Bắc và đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch lúa hè  - thu, do đó nhu cầu về phân bón không cao. Bên cạnh đó, tình hình bão lũ liên miên khiến các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên phải mất nhiều thời gian để khôi phục lại đời sống và sản xuất. Do đó, theo dự kiến trong ngắn hạn nhu cầu về phân bón sẽ giảm sút.

Ông Hoàng Mạnh Tiến, phụ trách Ban Kế hoạch - Kinh doanh của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết: các doanh nghiệp sản xuất phân bón thuộc Vinachem từ đầu năm vẫn chưa phát huy được hết năng lực sản xuất do sản phẩm còn tồn kho lớn (gần 600 nghìn tấn), giá thành cao do sản xuất từ nguyên liệu mua ở thời điểm giá cao trong khi đó sức mua trên thị trường thấp tiêu thụ chậm. Cùng với nạn phân bón giả, kém chất lượng chưa bị đẩy lùi, đến nay lại tiếp tục phải “hứng chịu” đợt tăng giá than đã khiến cho chi phí, giá thành sản phẩm và hiệu quả kinh doanh của Vinachem bị ảnh hưởng nặng nề.

Tương tự, ngành giấy cũng đang “đau đầu” với bài toán cân đối thu - chi khi giá than sẽ tăng. Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy (VPPA) cho rằng giá than tăng từ 25 – 30% là  mức tăng quá lớn và đột ngột, không những ảnh hưởng lớn tới việc tính toán chi phí và giá thành sản phẩm mà còn có thể khiến ngành này ngừng trệ sản xuất.

Ngành xi măng cũng đang không biết “xoay xở” thế nào với việc tăng giá than. Bởi theo tính toán, với mức giá than mới, mỗi tấn clinke phải bù thêm 28.000 đồng và xi măng là 23.000 đồng/tấn. Trong khi đó, việc tăng giá xi măng trong thời điểm này là không khả thi. Ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho rằng “việc Bộ Tài chính cho phép TKV tăng giá bán than đã khiến không chỉ ngành xi măng mà các ngành khác gặp rất nhiều khó khăn”.