10:49 11/04/2007

Giá thuốc không tăng mới lạ

Công ty và bác sĩ chẳng “chết”, chỉ có bệnh nhân lãnh đủ vì hoa hồng đã tính vào giá thuốc

Giá thuốc lên một phần liên quan tới đạo đức thầy thuốc.
Giá thuốc lên một phần liên quan tới đạo đức thầy thuốc.
Mỗi lần thuốc tăng giá, nó lại là đề tài nóng bỏng để mọi người quan tâm. Vì có lẽ thuốc, một “hàng hoá đặc biệt”, gắn liền với cái quý giá nhất của con người là sức khoẻ và gắn liền với một nghề đức độ là nghề y.

“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”!

Lý do chính của việc tăng giá thuốc vẫn xuất phát từ hiện tượng “kê toa ăn hoa hồng” của nhiều bác sĩ. Thật vậy, so với thời gian trước, hiện nay hiện tượng này tinh vi hơn nhiều, dưới dạng hội thảo, học tập ở trong và ngoài nước.

Có dạo, cứ mỗi cuối tuần nhiều bác sĩ có uy tín trong nghề không nghỉ ngơi ở thành phố mà thường xuyên có mặt ở các resort tại Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc. Những chuyến đi này dưới danh nghĩa hội thảo chuyên môn, nhưng thực chất là giới thiệu thuốc và du lịch, nghỉ dưỡng. Chi phí dĩ nhiên, nó được tính cả vào giá thuốc.

“Hoa hồng” còn dưới dạng “thuốc mẫu” (sample), đây là một hình thức mua chuộc bác sĩ công khai nhưng khó bắt lỗi được. Thuốc mẫu là những hộp thuốc thật, số lượng thuốc có thể ít hơn thuốc thật một chút, nhưng chắc chắn là những biệt dược rất đắt tiền.

Một bác sĩ công tác tại một bệnh viện chuyên khoa của Tp.HCM, cho biết cứ vài ngày anh lại nhận được 2-3 hộp thuốc mẫu của các công ty dược phẩm biếu xén. Mang thuốc này về để bán ở phòng mạch thật tiện, nếu không mỗi tháng gom lại bán cho nhà thuốc cũng rủng rỉnh có được vài triệu đồng.

Dĩ nhiên “hòn bấc” ném đi thì “hòn chì” phải ném lại, nghĩa là bác sĩ phải kê toa “lại quả”. Công ty và bác sĩ chẳng “chết”, chỉ có bệnh nhân lãnh đủ vì hoa hồng đã tính vào giá thuốc!

Cao cấp nhất của hoa hồng là những suất đi nước ngoài tham dự hội thảo, hội nghị. Đối tượng được các công ty dược mời đi thường là những chuyên gia đầu ngành. Bác sĩ N., làm việc tại bệnh viện S. thú thật: “Những chuyến đi như thế cần thiết vì học hỏi chuyên môn rất nhiều. Tuy nhiên, đi 2-3 lần/năm là thấy ngán vì mỗi lần đi là “lỗ sở hụi” ở phòng mạch tư rất nhiều”.

Nhưng cũng lạ, có những tên tuổi trong ngành y hiện nay, dù tuổi tác đã cao không phù hợp với những chuyến đi xa, lại đi nước ngoài như… cơm bữa. Chi phí vài ngàn USD cho những chuyến đi này đều tính cả vào thuốc!

Làm nửa vời, làm cho vui!

Cứ mỗi lần thuốc tăng giá là Bộ Y tế lại nhắc đến một điệp khúc quen thuộc “làm quyết liệt”, “giải quyết tận gốc”, “chấn chỉnh đến nơi đến chốn”, tuy nhiên sau đó không lâu thì đâu lại vào đấy.

Vào tháng 9/2003, để đối phó với chuyện tăng giá thuốc, Bộ Y tế đã ban hành thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính 08 quy định mọi loại thuốc lưu hành trên thị trường đều phải có giá thuốc niêm yết trên hộp. Thế mà gần 4 năm trôi qua, chỉ có một vài đơn vị nghiêm túc thực hiện thông tư này, nơi không thực hiện cũng chẳng ai để mắt xử phạt.

Một biện pháp khác là niêm yết giá bán tại những cơ sở bán lẻ, nhưng biện pháp này cũng chỉ làm cho vui vì thuốc thì có hàng trăm mặt hàng, bảng giá nào niêm yết cho xuể!

Cái nền quản lý thị trường dược phẩm hầu như không có. Gần 2 năm sau khi Luật Dược ra đời, những bộ, ngành liên quan vẫn chưa cho ra đời được thông tư hướng dẫn quản lý giá thuốc.

Không ít vấn đề thực tiễn đặt ra liên quan đến giá thuốc vẫn chưa có câu trả lời, vì thế lúc tranh tối, tranh sáng này thuốc không tăng giá mới là chuyện lạ.