Giá xăng dầu khó giữ
Phương án giảm thuế không được ưu tiên tính toán trong điều kiện nguồn thu ngân sách gặp khó khăn
Thông tin tăng giá xăng dầu đã rộ lên từ tuần trước, một số cây xăng cũng đã có dấu hiệu găm hàng chờ giá tăng. Tuy nhiên, câu trả lời của Bộ Tài chính vẫn là “đang chờ” lãnh đạo cấp cao quyết định. Phương án giảm thuế không được ưu tiên tính toán trong điều kiện nguồn thu ngân sách gặp khó khăn.
Mặt khác, việc tăng giá xăng dầu lần này đang chịu sức ép từ mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp hơn 6,81%.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu hiện nay rất vất vả bởi lẽ điều kiện thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các phương án điều hành giá phải cân nhắc rất nhiều yếu tố. Trong khi đó, nếu điều hành giá quán triệt theo các quy định tại Nghị định 84, các phương án sẽ được cân nhắc dễ dàng hơn.
Tính từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã 3 lần có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá và tăng mức sử dụng quỹ bình ổn giá. Ngày 15/1, Công văn số 807 của Bộ Tài chính cho biết mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành với giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu là từ 90 đồng đến 410 đồng/lít (kg).
Cũng tại công văn này, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp không được tăng giá xăng dầu và bắt đầu sử dụng quỹ bình ổn giá với mức 300 đồng/lít (kg) đối với các mặt hàng xăng, dầu hỏa và dầu madut.
Gần 2 tuần sau, mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành theo thông báo tại Công văn 1441 của Bộ Tài chính dao động trong khoảng 158-297 đồng/lít (kg). Phương án điều hành theo hướng không cho tăng giá và tăng mức sử dụng quỹ bình ổn từ 100–200 đồng/lít (kg) tiếp tục được áp dụng.
Ngay trước Tết Nguyên đán, trong một động thái kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng, cách thức điều hành này tiếp tục được áp dụng tại Công văn 2152 ngày 8/2. Theo đó, các doanh nghiệp vẫn không được tăng giá xăng dầu và mức sử dụng quỹ bình ổn giá được nâng lên 1.000 đồng đối với 1 lít xăng, các mặt hàng khác được áp dụng mức sử dụng quỹ từ 400-700 đồng/lít (kg).
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, hiện tại quỹ bình ổn ở một số doanh nghiệp đang ở trạng thái âm. Như vậy, phương án sử dụng quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá được đánh giá là không khả thi trong thời điểm này.
Về thuế suất nhập khẩu xăng dầu, mức thuế nhập khẩu đối với xăng hiện là 12%, thuế nhập khẩu dầu madut và dầu hỏa là 10%, thuế nhập khẩu dầu diezel là 8%. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mức thuế này chưa đạt barem.
Theo đó, nhập khẩu xăng và dầu hỏa quy định thuế phải 20%, thuế nhập khẩu diesel ở mức 15%, thuế nhập khẩu mazut ở mức 15%. Ngưỡng khống chế thứ hai đối với thuế nhập khẩu xăng dầu là mức quy định 7% theo cam kết của các nhà tài trợ khi tham gia dự án lọc dầu Dung Quất. Tuy nhiên, xét trong điều kiện cần kiềm chế lạm phát, “dư địa” giảm thuế vẫn còn. Mặc dù vậy, theo một nguồn tin của TBKTVN, phương án này ít được ưu tiên tính toán do nguồn thu ngân sách đang rất khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết, hiện tại nếu chưa cho trích quỹ bình ổn, mỗi lít xăng doanh nghiệp bán ra đang thấp hơn giá cơ sở 1.800 đồng/lít, nếu trừ mức trích quỹ bình ổn 1.000 đồng/lít, doanh nghiệp còn lỗ 800 đồng/lít.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nếu lần này, xăng dầu tăng giá ở mức 1.000 đồng/lít thì mức tác động lên CPI vòng 1 là khoảng 2% và mức tác động vòng 2 là 0,3%. Vì vậy, mức tăng giá này sẽ gây bất lợi cho mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Thận trọng khi trao đổi thông tin về giá xăng dầu, ông Tuấn cho biết: “Có nhiều phương án đang được tính toán, tuy nhiên, đây là mặt hàng nhạy cảm về giá nên để tránh tình trạng găm hàng đầu cơ, chúng tôi chưa thể công bố cụ thể. Việc tăng giá hay không còn phải chờ quyết định của cấp cao”, ông Tuấn nói.
Vị Phó cục trưởng cũng khẳng định, nếu cứ theo Nghị định 84 thì việc điều hành sẽ đỡ “đau đầu” hơn rất nhiều, nhưng điều này không thể áp dụng được trong điều kiện còn nhiều khó khăn và phức tạp hiện nay.
Bân cạnh đó, công tác điều hành giá xăng dầu đang chờ đợi Nghị định sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đánh giá toàn diện việc thi hành Nghị định 84/2009/NĐ-CP, xác định rõ các mặt được và hạn chế, bất cập trong nội dung của Nghị định cũng như trong điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Trên cơ sở đó, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84/2009/NĐ-CP nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập vừa qua. Dự thảo sửa đổi bổ sung nghị định này được yêu cầu phải trình trước ngày 30/6.
Về Luật giá đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, ông Tuấn cho biết, Luật Giá được thực hiện theo hướng giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước. Tuy nhiên, Nghị định hướng dẫn thực hiện luật này vẫn chưa được ban hành, do đó công tác kiểm soát giá một số mặt hàng vẫn đang gặp lúng túng.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Mặt khác, việc tăng giá xăng dầu lần này đang chịu sức ép từ mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp hơn 6,81%.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu hiện nay rất vất vả bởi lẽ điều kiện thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các phương án điều hành giá phải cân nhắc rất nhiều yếu tố. Trong khi đó, nếu điều hành giá quán triệt theo các quy định tại Nghị định 84, các phương án sẽ được cân nhắc dễ dàng hơn.
Tính từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã 3 lần có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá và tăng mức sử dụng quỹ bình ổn giá. Ngày 15/1, Công văn số 807 của Bộ Tài chính cho biết mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành với giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu là từ 90 đồng đến 410 đồng/lít (kg).
Cũng tại công văn này, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp không được tăng giá xăng dầu và bắt đầu sử dụng quỹ bình ổn giá với mức 300 đồng/lít (kg) đối với các mặt hàng xăng, dầu hỏa và dầu madut.
Gần 2 tuần sau, mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành theo thông báo tại Công văn 1441 của Bộ Tài chính dao động trong khoảng 158-297 đồng/lít (kg). Phương án điều hành theo hướng không cho tăng giá và tăng mức sử dụng quỹ bình ổn từ 100–200 đồng/lít (kg) tiếp tục được áp dụng.
Ngay trước Tết Nguyên đán, trong một động thái kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng, cách thức điều hành này tiếp tục được áp dụng tại Công văn 2152 ngày 8/2. Theo đó, các doanh nghiệp vẫn không được tăng giá xăng dầu và mức sử dụng quỹ bình ổn giá được nâng lên 1.000 đồng đối với 1 lít xăng, các mặt hàng khác được áp dụng mức sử dụng quỹ từ 400-700 đồng/lít (kg).
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, hiện tại quỹ bình ổn ở một số doanh nghiệp đang ở trạng thái âm. Như vậy, phương án sử dụng quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá được đánh giá là không khả thi trong thời điểm này.
Về thuế suất nhập khẩu xăng dầu, mức thuế nhập khẩu đối với xăng hiện là 12%, thuế nhập khẩu dầu madut và dầu hỏa là 10%, thuế nhập khẩu dầu diezel là 8%. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mức thuế này chưa đạt barem.
Theo đó, nhập khẩu xăng và dầu hỏa quy định thuế phải 20%, thuế nhập khẩu diesel ở mức 15%, thuế nhập khẩu mazut ở mức 15%. Ngưỡng khống chế thứ hai đối với thuế nhập khẩu xăng dầu là mức quy định 7% theo cam kết của các nhà tài trợ khi tham gia dự án lọc dầu Dung Quất. Tuy nhiên, xét trong điều kiện cần kiềm chế lạm phát, “dư địa” giảm thuế vẫn còn. Mặc dù vậy, theo một nguồn tin của TBKTVN, phương án này ít được ưu tiên tính toán do nguồn thu ngân sách đang rất khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết, hiện tại nếu chưa cho trích quỹ bình ổn, mỗi lít xăng doanh nghiệp bán ra đang thấp hơn giá cơ sở 1.800 đồng/lít, nếu trừ mức trích quỹ bình ổn 1.000 đồng/lít, doanh nghiệp còn lỗ 800 đồng/lít.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nếu lần này, xăng dầu tăng giá ở mức 1.000 đồng/lít thì mức tác động lên CPI vòng 1 là khoảng 2% và mức tác động vòng 2 là 0,3%. Vì vậy, mức tăng giá này sẽ gây bất lợi cho mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Thận trọng khi trao đổi thông tin về giá xăng dầu, ông Tuấn cho biết: “Có nhiều phương án đang được tính toán, tuy nhiên, đây là mặt hàng nhạy cảm về giá nên để tránh tình trạng găm hàng đầu cơ, chúng tôi chưa thể công bố cụ thể. Việc tăng giá hay không còn phải chờ quyết định của cấp cao”, ông Tuấn nói.
Vị Phó cục trưởng cũng khẳng định, nếu cứ theo Nghị định 84 thì việc điều hành sẽ đỡ “đau đầu” hơn rất nhiều, nhưng điều này không thể áp dụng được trong điều kiện còn nhiều khó khăn và phức tạp hiện nay.
Bân cạnh đó, công tác điều hành giá xăng dầu đang chờ đợi Nghị định sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đánh giá toàn diện việc thi hành Nghị định 84/2009/NĐ-CP, xác định rõ các mặt được và hạn chế, bất cập trong nội dung của Nghị định cũng như trong điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Trên cơ sở đó, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84/2009/NĐ-CP nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập vừa qua. Dự thảo sửa đổi bổ sung nghị định này được yêu cầu phải trình trước ngày 30/6.
Về Luật giá đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, ông Tuấn cho biết, Luật Giá được thực hiện theo hướng giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước. Tuy nhiên, Nghị định hướng dẫn thực hiện luật này vẫn chưa được ban hành, do đó công tác kiểm soát giá một số mặt hàng vẫn đang gặp lúng túng.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)