"Giải các bài toán" thiết thực với người dân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng trong triển khai Đề án 06, các địa phương cần giải những bài toán cụ thể, tuyên truyền để người dân thấy thiết thực, hiệu quả, từ đó, góp phần thay đổi nhận thức, đồng thuận và tham gia thực hiện và thụ hưởng lợi ích mà đề án đem lại...
Chiều 29/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), tại điểm cầu chính ở TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), kết nối với các điểm cầu tại trụ sở các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
TẬP TRUNG SỐ HÓA, ĐỒNG BỘ, LÀM SẠCH
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội… đã trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến xây dựng, kết nối các hệ thống, kho dữ liệu của tổ chức, cá nhân; kết nối chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, dữ liệu chuyên ngành; đồng thời quy rõ trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu số của từng đơn vị, cá nhân;…
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan, cho biết bên cạnh việc xây dựng kho dữ liệu cá nhân, tổ chức, các địa phương cần thực hiện số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, từ đó giúp làm giàu, làm sống, làm sạch các cơ sở dữ liệu đã và đang phát triển, đồng thời hình thành các dữ liệu mới khi chưa có điều kiện, nguồn lực để xây dựng cùng lúc.
Để triển khai tốt việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, ông Ngô Hải Phan cho rằng cần nhanh chóng hoàn thành việc kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng bộ chuẩn hoá, làm sạch dữ liệu liên quan đến công dân giữa các hệ thống; hoàn thiện, điện tử hoá mẫu đơn, tờ khai, biểu mẫu theo hướng tự động điền các thông tin dữ liệu công dân; tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện, nâng cấp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng khai thác, tái sử dụng dữ liệu đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
THÁO GỠ NGAY NHỮNG VƯỚNG MẮC NHỎ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao cách làm các địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh…) trong lựa chọn một số nhiệm vụ cụ thể của Đề án 06 để tập trung làm sâu, triệt để. Từ những kinh nghiệm này, bộ, ngành cần xây dựng hướng dẫn chi tiết để triển khai ra cả nước.
"Có những việc, nhiệm vụ không mới, nhưng đã đến bước chúng ta làm một cách tổng thể, kết nối, đồng bộ tất cả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan đến người dân thành dữ liệu dùng chung của Chính phủ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể khẩn trương phối hợp rà soát kỹ để đồng bộ, làm sạch dữ liệu.
Về một số việc trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương có ngay chỉ đạo, hướng dẫn cách làm thống nhất về những loại giấy tờ cá nhân người dân cần mang khi giải quyết các thủ tục hành chính, theo quy định mới.
Đối với các dịch vụ công thiết yếu đang vướng khi triển khai, như: Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế; liên thông đăng ý khai tử-xoá đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí; cấp chữ ký điện tử; cấp lý lịch tư pháp… Phó Thủ tướng nêu rõ "chủ trương không vướng" và yêu cầu bộ, ngành liên quan chỉ đạo rất chi tiết, tháo gỡ ngay những vướng mắc, dù nhỏ nhất, trong quy định, thủ tục hiện nay. "Những việc này phải hoàn thành trong tháng 10/2022".
"Những khu chung cư đông người, có điều kiện hạ tầng tốt, thì nghiên cứu thí điểm đặt các máy tính để người dân sử dụng thuận lợi các dịch vụ công trực tuyến", Phó Thủ tướng gợi mở và đề nghị các bộ, ngành liên quan chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng căn cước công dân, mã số định danh cá nhân khi khám chữa bệnh, học tập, giao dịch ngân hàng, tạo lập tài khoản an sinh xã hội, khai báo tạm trú trên ứng dụng VNeID…
Từ kinh nghiệm của các địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng trong triển khai Đề án 06, các địa phương cần giải những bài toán cụ thể, tuyên truyền để người dân thấy thiết thực, hiệu quả, từ đó, góp phần thay đổi nhận thức, đồng thuận và tham gia thực hiện và thụ hưởng lợi ích mà đề án này đem lại.