Giải cứu dự án Petro Vietnam thua lỗ: Đổ thêm tiền để không “bán sắt vụn”?
“Không đưa tiền vào thì giải quyết được gì, ai người ta mua?”
Vướng mắc lớn nhất trong việc giải cứu các dự án thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) được chỉ ra là việc “không chi ngân sách để xử lý”.
Đây là chia sẻ của các lãnh đạo Petro Vietnam trong buổi làm việc với Bộ Công Thương về các dự án thua lỗ, diễn ra cuối tuần qua.
Hiện Petro Vietnam đang có một loạt dự án ngàn tỷ thua lỗ, như nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex), có vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, hiện “đắp chiếu”; ba dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học hiện đều thua lỗ và ngừng hoạt động; Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) lỗ luỹ kế 3.674 tỷ đồng…
Cần “tiền tươi thóc thật”
Đã có dự báo, nếu cho chạy lại nhà máy thì lỗ tới năm 2027, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý nhà máy xăng sinh học Dung Quất - đã tạm ngừng hoạt động từ đầu 2016 - cho biết.
Cụ thể, nhà máy này có thể lỗ tới 150 tỷ mỗi năm nếu không được ưu đãi, nếu có ưu đãi thì lỗ ít hơn nhưng dừng hoạt động thì mỗi năm vẫn tiêu tốn 200 tỷ đồng.
“Chúng tôi sẽ chọn phương án ít xấu nhất, nhưng để có quyết sách đúng thì phải nhìn vào toàn bộ bức tranh, nhìn rõ thì mới ra chính sách được. Nhưng cái chính lại là không được chi thêm tiền vào dự án”, ông Giang nói.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Petro Vietnam cho biết, các dự án đều đang khó khăn về dòng tiền.
“Vướng mắc lớn nhất là không được rót thêm vốn Nhà nước để phục vụ cho các dự án, nên giờ chưa được triển khai. Hiện mọi dự án đều có phương án triển khai, nhưng đều cần sự phê duyệt của Chính phủ về phương án tài chính”.
“Việc cho phá sản là phương án tiêu cực và không mong muốn. Hiện vẫn phải có chi phí nhất định cho công ty tư vấn, duy trì tài sản, bảo vệ điện nước cho dự án với thời gian từ 18 tháng đến hai năm, riêng Đình Vũ trong hai năm phải tốn hàng trăm tỷ đồng, nên phải xin phê duyệt tiếp”, ông nói thêm.
Ông Ninh Văn Quỳnh, Phó tổng giám đốc Petro Vietnam nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ là không cấp thêm vốn vào các dự án thua lỗ,
“Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều, những người trực tiếp xử lý dự án thua lỗ muốn có vốn, nhưng trong nội bộ cũng có quan điểm trái chiều, sợ vi phạm pháp luật khi sử dụng nguồn vốn của tập đoàn, bởi đây là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước”, ông Quỳnh nói và mong muốn bộ chủ quản cho phép Petro Vietnam giải quyết theo cơ chế thị trường, dùng nguồn lực của tập đoàn đưa vào xử lý các dự án thua lỗ.
Bởi, nếu theo phương án chạy lại dự án thì phải có vốn. Theo phương án bán, chuyển nhượng vốn, giải thể các dự án thua lỗ thì vẫn mất tiền giải quyết việc thoái vốn, thuê định giá, tư vấn để bán trên thị trường.
Đổ thêm tiền để không “bán sắt vụn”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các dự án thua lỗ này là thoái vốn Nhà nước. Tuy nhiên, khởi động lại xong rồi thoái vốn, và thoái vốn trong trạng thái nhà máy đang hoạt động, thì sẽ có lợi hơn là bán nhà máy ở trạng thái “bất động”.
“Muốn bán nhà máy thay vì bán sắt vụn thì phải có tiền vào đó, thì sắt vụn mới thành nhà máy được. Không đưa tiền vào thì giải quyết được gì, ai người ta mua, ông chết đói bảo không ăn thì sao sống được, ít nhất phải có cháo vào đó chứ”, Thứ trưởng ví von.
Ông nhấn mạnh quan điểm: “Không chi thêm đồng nào thì làm sao mà triển khai được, riêng chỉ duy trì đã mất tiền rồi thì phải có phương án tài chính”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, vấn đề tiên quyết là phải thay đổi quan điểm trong việc xử lý các dự án yếu kém, bao gồm 12 dự án ngành công thương nói chung và 5 dự án của Petro Vietnam nói riêng. Đó là phải đặt mình ở góc độ, nếu mình là người bỏ tiền ra đầu tư, khi rơi vào tình huống này thì sẽ lựa chọn phương án nào.
Ở góc độ đó, quyết định sẽ là tối ưu nhất, còn nếu luôn nghĩ là dự án Nhà nước, thất thoát là trách nhiệm của ai đó trước đó, thì rất khó tìm ra giải pháp, rất khó có điểm đột phá, sáng tạo đối với những dự án vốn dĩ đã lâm vào tình trạng khó khăn.
“Nói như vậy không có nghĩa là vi phạm các quy định. Nếu có vướng víu gì thì phải báo cáo lên cấp trên, còn nếu thấy vi phạm nhưng mang lại lợi ích lớn thì xin Chính phủ, Bộ Chính trị tạo điều kiện. Phải thống nhất quan điểm như thế đã”, Thứ trưởng kết luận.