09:57 01/09/2013

Giám đốc chiến lược FPT lo tam nông tụt hậu

Nguyên Thảo

Cả Chủ tịch nước và doanh nhân trẻ đều tâm tư về nông nghiệp Việt Nam

Giám đốc chiến lược FPT (người đứng) tại buổi gặp mặt với Chủ tịch nước, sáng 31/8 - Ảnh: TT
Giám đốc chiến lược FPT (người đứng) tại buổi gặp mặt với Chủ tịch nước, sáng 31/8 - Ảnh: TT
"Đất nước 60 triệu dân đang sống ở nông thôn như Việt Nam mà để tam nông tụt hậu thì chúng tôi cảm thấy rất là nguy hiểm", Giám đốc chiến lược của Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa bày tỏ tại buổi gặp mặt của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với đại biểu doanh nhân trẻ, sáng 31/8.

Chia sẻ về xu thế hiện tại và bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, từ thực tế của FPT, ông Hòa cho rằng vấn đề đặt ra vô cùng bức xúc là toàn cầu hóa.

“Toàn cầu hóa không có nghĩa là chúng tôi xua quân ra nước ngoài, mặc dù các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đang đi Myanma mà và liên tục đi nhiều nước Đông Nam Á. Thực ra toàn cầu hóa đặt ngay vấn đề trên sân nhà, vì toàn cầu hóa là hai chiều, nếu chúng tôi không đi thì hàng Trung Quốc cũng tràn lan tấn công chúng ta ngay trên sân nhà, doanh nghiệp Việt Nam đang có nguy cơ thua trên sân nhà”, ông Hòa nhìn nhận.

Được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam “đặt hàng” phát biểu về chủ đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, một vấn đề mà theo vị doanh nhân này là ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh, thắng thua của từng doanh nghiệp, chiến lược phát triển được ông Hòa đề cập đầu tiên với câu hỏi, “thực ra chúng ta muốn phát triển cái gì và đâu là mũi nhọn?”.

Với kinh nghiệm 15 năm làm việc ở tập đoàn đa quốc gia ở nước ngoài, ông Hòa cho rằng Việt Nam chưa định vị rõ trong chiến lược phát triển.

“Hình như chúng ta đang tụt hậu dần dần về nông nghiệp, 60 triệu dân đang sống ở nông thôn mà để tam nông tụt hậu thì chúng tôi cảm thấy rất là nguy hiểm”, Giám đốc chiến lược của FPT lo ngại.

Ông Hòa cũng dẫn ý kiến của chuyên gia nước ngoài mà theo ông là rất đáng suy nghĩ. Đó là không thể bỏ quên nông nghiệp. Họ đặt vấn đề tại sao nông nghiệp Việt Nam lại không phát triển được như mong muốn, trong khi có nhiều lợi thế về địa chính trị.

Với trăn trở ngành công nghệ thông tin đang đóng vai trò chuyển giao kiến thức toàn cầu nhanh nhất vào Việt Nam, song đầu tư cho lĩnh vực này còn rất chậm, ông Hòa cho rằng muốn phát triển công nghệ thông tin cần có sự ưu tiên.

Cho biết FPT đang say sưa nghiên cứu chuyển giao công nghệ về nông nghiệp, song vị Giám đốc chiến lược của tập đoàn này cũng “kêu” với Chủ tịch nước về khó khăn trong việc tìm chuyên gia.

FPT đang trải thảm mời chuyên gia nước ngoài về, nhưng người  làm khoa học công nghệ không chỉ cần có chuyên môn mà phải thấm được lòng yêu nước, vì chỉ bằng lương thì họ không về. Tuy nhiên, theo ông cũng cần trả lời câu hỏi là họ về nước thì sẽ làm được cái gì.

Với băn khoăn cho đến nay vẫn chưa có được "bản đồ" về nhân tài đất Việt, kiến nghị được vị doanh nhân này đưa ra là Nhà nước cần tập trung vào nguồn lực chất xám bên ngoài hiện nay đang rất phí phạm,  cần có danh sách chuyên gia đang ở nước ngoài để các doanh nghiệp Việt có thể trải thảm mời về.

Trong phạm vi cuộc gặp mặt với Chủ tịch nước, một số vị doanh nhân khác cũng bày tỏ chia sẻ với Giám đốc chiến lược FPT về nỗi lo tụt hậu của nông nghiệp Việt Nam.

Cùng trăn trở về sự lúng túng trong chiến lược phát triển, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Mai Hữu Tín trong một lần trao đổi với VnEconomy cũng đã nêu ví dụ về lợi thế của cá tra Việt Nam không có nước nào trên thế giới so được nhưng vẫn thua đau, nông dân lỗ, doanh nghiệp lỗ. Rồi cây lúa, con tôm cũng vậy. Mà lẽ ra với lợi thế của những mặt hàng này chúng ta phải có khả năng dẫn dắt cuộc chơi và giúp dân thoát nghèo.

Trao đổi với các doanh nhân trẻ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng tâm tư với hạt lúa.

“Đi khảo sát đồng bằng sông Cửu Long 2- 3 ngày, thì thấy lúa thóc khí thế (xuất khẩu) nhất nhì thế giới mình ca ngợi suốt ngày, nhưng xuất 3 tỷ thì nhập ngô, đậu tương hai tỷ mấy, trời ơi trời nghe mà thiểu não luôn”, Chủ tịch nói.

Ông cũng lấy làm buồn lòng khi “bớt lúa trồng ngô, đậu tương, vừa giữ giá gạo, đồng thời khỏi xuất 2 - 3 tỷ đô mà dân có việc làm ngon lành, tạo thêm 2 - 3 tỷ đô trong nước thì hổng làm, cứ phải khí thế tiến lên quyết liệt phải đứng đầu thế giới cơ”.

“Đứng đầu, đứng giữa mức độ thôi, khí thế quyết liệt mà mở túi chả có đồng bạc nào cả”, Chủ tịch nói tiếp.

Và ông trầm giọng, “cái này lỗi tụi tôi trước, nhận lỗi thôi chứ, không phải lỗi các đồng chí đâu, cũng không đổ thừa cho dân chúng gì cả. Tất nhiên an ninh lương thực phải giữ, nhưng đứng đầu GDP thì ngon chứ đầu cái đó (xuất khẩu gạo) thì không có gì ghê gớm lắm”.