09:02 14/11/2019

Giảm gian lận tài chính, tăng cường minh bạch

Ánh Tuyết

Bên cạnh gánh nặng về chi phí và nguồn lực phải phân bổ cho việc triển khai IFRS, khó khăn lớn nhất chính là cam kết của ban lãnh đạo doanh nghiệp

Áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tạo ra các cơ hội hợp tác kinh doanh mới, tạo động lực cho sự cải tổ của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, khi chuyển đổi báo cáo tài chính hợp nhất, từ chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS, bên cạnh gánh nặng về chi phí và nguồn lực phải phân bổ cho việc triển khai IFRS, khó khăn lớn nhất chính là cam kết của ban lãnh đạo doanh nghiệp. 

Tại hội thảo "Tác động của IFRS đối với báo cáo tài chính", do Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Viện Kế toán công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 13/11, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc thường trực, giám đốc điều hành cao cấp tại VPBank cho rằng: "Doanh nghiệp phải tự vươn lên, hoàn thiện mình, minh bạch hơn, để tìm tiếng nói chung với nhà đầu tư nước ngoài. Họ hiểu rằng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư không chỉ chờ đợi sự thay đổi từ phía cơ quan chính phủ, mà nỗ lực của các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết". 

Quan trọng nhất là tính minh bạch

Việc áp dụng chuẩn mực kế toán theo thông lệ quốc tế sẽ tạo bước ngoặt căn bản cho công tác tài chính kế toán tại các doanh nghiệp. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: "Dưới góc độ doanh nghiệp, IFRS sẽ cải thiện chất lượng báo cáo tài chính thông qua việc nâng cao chất lượng giải trình, nâng cao tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích để đưa ra các quy định về công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp". 

Do đó, "doanh nghiệp có cơ hội lớn hơn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài", ông Sơn khẳng định. 

Tiên phong triển khai chuyển đổi báo cáo tài chính hợp nhất từ VAS sang IFRS từ năm 2009, theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Kế toán trưởng kiêm nhiệm Trưởng ban Kế toán Tập đoàn Bảo Việt, IFRS tác động mạnh mẽ đến quá trình ra quyết định của ban lãnh đạo tập đoàn. 

Thứ nhất, IFRS cải thiện quá trình lên kế hoạch, góp phần quản lý nguồn lực tốt hơn và giảm chi phí vốn. Tăng cường sự gắn kết chặt chẽ các quy trình quản trị nội bộ với các thông tin tài chính. Hỗ trợ xác định những lỗ hổng, rủi ro tồn tại trong các quy trình nội bộ và cải tiến, sửa đổi cho phù hợp.

Thứ hai, cải thiện khả năng phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành theo chuẩn mực IFRS. Từ đó, đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp, hợp tác kinh doanh hiệu quả. 

Thứ ba, IFRS phản ánh giá trị hợp lý của các tài sản và công nợ, giúp có cái nhìn tốt hơn về giá trị doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nhà đầu tư quốc tế, tăng khả năng lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp. 

Thứ tư, có kinh nghiệm, lợi thế trong công tác tài chính kế toán với các nghiệp vụ phức tạp, liên quan đến trích lập dự phòng, định giá công cụ tài chính, phát hành cổ phiếu. Từ đó, giảm nguy cơ mắc lỗi kế toán và bị phạt về pháp lý. 

Chuyển đổi thực sự, nghiêm túc 

Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết: "Nhiều doanh nghiệp thận trọng hơn, đặt lộ trình dài hơi hơn. doanh nghiệp cũng cần kế hoạch chuyển đổi thực sự và nghiêm túc". 

Theo đó, thứ nhất, doanh nghiệp cần xác định được lợi ích thực sự của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, nhìn nhận rõ những chi phí phải bỏ ra, không chỉ chi phí đào tạo, mà cả chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Đối với từng doanh nghiệp, phải xác định phạm vi hoạt động liên quan đến việc chuyển đổi, sự đồng bộ của tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp. 

Thứ hai, bài toán về nguồn lực. Đây là thách thức đối với các doanh nghiệp nói chung trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện có của doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi. 

Thứ ba, cơ sở vật chất và nguồn kinh phí. "Nhiều doanh nghiệp rất muốn áp dụng IFRS, tuy nhiên trước bài toán chi phí, hiệu quả và lợi ích, nhiều doanh nghiệp tỏ vẻ băn khoăn. Bởi để thực hiện một quá trình toàn diện, từ khi bắt đầu triển khai đến khi kết thúc, đòi hỏi chi phí không nhỏ", ông Sơn nêu thực tế. 

Thứ tư, cơ sở dữ liệu cho quá trình chuyển đổi.

Nhằm xây dựng một bộ chuẩn mực kế toán toàn cầu chất lượng cao duy nhất, ông Mike Turner, Cố vấn cao cấp ICAEW cho biết "ICAEW đang thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy việc sử dụng các chuẩn mực này trong các doanh nghiệp tại Việt Nam". Đồng thời, làm việc với các ban soạn thảo chuẩn mực quốc gia để hội tụ các chuẩn mực quốc gia và IFRS, mang lại các giải pháp chất lượng cao.

Để tăng cường hiệu quả trong việc báo cáo tài chính ở Việt Nam, theo ông Vũ Đức Chính, tháng 8 vừa qua, đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam đã hoàn thiện và được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, sẵn sàng áp dụng vào thực tế tại Việt Nam. 

Điều quan trọng nhất, là làm sao đảm bảo tính khả thi đến từng đơn vị, tổ chức để triển khai thành công theo từng giai đoạn. Theo đó, từ nay đến năm 2022 là giai đoạn chuẩn bị, từ năm 2022 – 2024 có tính chính chất thí điểm và năm 2025 sẽ đưa vào một số đối tượng bắt buộc. 

"Bộ Tài chính sẽ xây dựng một quy trình chuyển đổi có tính chất mẫu để các doanh nghiệp dựa vào và triển khai tại mỗi đơn vị", ông Chính cho biết.

Dẫn chứng thương vụ bán vốn có giá trị lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết ngày 11/11 vừa qua, BIDV phát hành riêng lẻ cho Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 1 tỷ USD, đưa BIDV vươn lên trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn của hệ thống.