10:18 12/11/2008

“Giảm phát sẽ không xảy ra tại Việt Nam”

Lê Hường

Chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nói về vấn đề giảm phát ở Việt Nam

"Việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại không phải là quá sớm. Ngược lại, tôi cho rằng thời điểm cũng như mức độ giảm lãi suất của SBV là rất thích hợp".
"Việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại không phải là quá sớm. Ngược lại, tôi cho rằng thời điểm cũng như mức độ giảm lãi suất của SBV là rất thích hợp".
Ông Takeshi Hachimura, Cố vấn trưởng Dự án Hợp tác kỹ thuật tăng cường năng lực Ngân hàng Nhà nước, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, vừa có cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề giảm phát ở Việt Nam.

Ông có cho rằng việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 âm so với tháng 9 có đáng lo ngại không?

Từ tháng 1 đến tháng 9/2008, lạm phát của Việt Nam ở mức rất cao, nhưng đến tháng 10, CPI lại giảm so với tháng 9. Về việc đánh giá CPI của tháng 10, các chuyên gia có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng CPI âm so với tháng trước thể hiện tình trạng giảm phát.

Tuy nhiên, tôi không đồng tình với ý kiến đó. Giảm phát là tình trạng xảy ra khi tổng cung cao hơn tổng cầu, dẫn đến giảm giá, giảm năng lực sản xuất và nhu cầu tuyển dụng.

Hiện nay, thị trường tài chính thế giới đang trong tình trạng hỗn loạn, nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới đang gặp khó khăn. Mặc dù có những lo ngại về việc xảy ra giảm phát trầm trọng ở Mỹ và châu Âu, nhưng tôi cho rằng ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam, giảm phát sẽ không xảy ra. Điều đáng lo ngại ở đây là tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, CPI âm có phải là tín hiệu về tình trạng kinh tế sẽ khó khăn hơn không, thưa ông?

CPI âm so với tháng 9 là dấu hiệu tốt cho thấy nền kinh tế đang được vận hành một cách ổn định. Nếu tiếp tục vận hành nền kinh tế một cách thận trọng như hiện nay, Việt Nam có thể kiềm chế được lạm phát. Theo tôi, mức tăng CPI từ bây giờ sẽ giảm đi, do tỉ lệ lãi suất cao, cộng với giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới, đặc biệt là dầu lửa đang giảm đi.

Tình hình bất ổn của thị trường tài chính Mỹ và châu Âu sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu. Việt Nam chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng phần nào từ tình hình chung của thế giới. Hiện nay, hàng xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Vì vậy, khi kinh tế Mỹ gặp khó khăn, số lượng hàng xuất khẩu sang thị trường này của Việt Nam sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, dự báo tiêu thụ cá nhân và đầu tư trang thiết bị trong nước vẫn không giảm nhiều, do đó tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ không xấu đi nhiều.

Về ngắn hạn, có khả năng số vốn FDI vào Việt Nam sẽ giảm. Tuy nhiên, xét về trung hạn và dài hạn, tiềm lực tăng trưởng của Việt Nam là rất tốt, nên tôi cho rằng Việt Nam sẽ chỉ chịu những ảnh hưởng mang tính tạm thời.

Thêm vào đó, lượng kiều hối hàng năm của Việt Nam là rất đáng kể và sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, nỗ lực nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài cũng hết sức quan trọng.

Việt Nam đã từng theo đuổi mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, nhưng những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây của Việt Nam có phải là quá sớm không khi CPI vẫn ở mức trên 20%, thưa ông?

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại không phải là quá sớm. Ngược lại, tôi cho rằng thời điểm cũng như mức độ giảm lãi suất của SBV là rất thích hợp. Nắm bắt được tình hình sụt giảm của thị trường tiêu thụ quốc tế cũng như những lo ngại về suy thoái kinh tế thế giới bắt nguồn từ Mỹ, SBV đã gửi đến thị trường trong và ngoài nước những thông điệp hết sức mạnh mẽ.

Mùa hè vừa qua, trên thế giới đã có xuất hiện tin đồn thất thiệt về nguy cơ xảy ra khủng hoảng tiền tệ tại Việt Nam. Nhưng vào thời điểm này, không còn ai dám nói về điều đó nữa.

Nền kinh tế Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và năng động, nên tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam là rất lớn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam đã phát triển liên tục với tốc độ khoảng 7%, nhiều người cho rằng tiềm lực tăng trưởng của Việt Nam vào khoảng 5%.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, tiềm lực tăng trưởng của Việt Nam còn có thể lớn hơn con số 5%. Việt Nam có khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng gần với tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2.