08:47 09/11/2009

Giám sát tập đoàn: Sáu hạn chế về cơ chế, chính sách quản lý vốn

Nguyên Bình

Báo cáo giám sát đã chỉ ra sáu hạn chế, bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý vốn tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

Chủ nhiệm Hà Văn Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát về tập đoàn, tổng công ty.
Chủ nhiệm Hà Văn Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát về tập đoàn, tổng công ty.
Ngày 9/11, Quốc hội dành trọn ngày để thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Tại phiên làm việc buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung trên.

Theo đó, mục đích chính của cuộc giám sát là đánh giá tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Qua đó, thấy được những kết quả đã đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; những vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật và những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các bộ, ngành và của các tập đoàn, ổng công ty Nhà nước.

Các đề xuất, kiến nghị sẽ dược đưa ra để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, thực hiện nghiêm và có hiệu quả hơn chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền nhấn mạnh.

Đầu tư “ngược”

Một trong sáu hạn chế về cơ chế, chính sách quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra là  mô hình và phương thức hoạt động vẫn còn nhiều bất cập làm hạn chế chất lượng quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty.

Việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế dựa trên cơ sở các tổng công ty 90, 91, cùng với việc chuyển các tổng công ty nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con cũng chưa được phân định rõ ràng giữa tập đoàn và tổng công ty. Việc thay đổi này chủ yếu mới mang tính hình thức mà chưa có sự thay đổi mang tính căn bản về quản lý nhà nước cũng như quản trị doanh nghiệp.

Vai trò chủ sở hữu công ty mẹ cũng bị giới hạn: công ty mẹ không được toàn quyền định đoạt vốn, tài sản của công ty con, kể cả công ty TNHH một thành viên. Hiện chưa có quy định hạn chế cơ cấu đầu tư trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty dẫn đến tình trạng một số trường hợp công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ, công ty mẹ đầu tư chi phối cả công ty cháu làm phức tạp quan hệ đầu tư, gây tình trạng chồng chéo, lẫn lộn trong việc thực hiện quyền của chủ sở hữu vốn, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng quản lý, sử dụng vốn nhà nước, báo cáo viết.

Nhiều trường hợp công ty mẹ gặp khó khăn trong việc chi phối đối với công ty con vì theo Luật Doanh nghiệp, để quyết định những vấn đề quan trọng như chiến lược phát triển, tăng giảm vốn, quyết định nhân sự chủ chốt thì phải đạt tối thiểu 65% tỷ lệ biểu quyết tại đại hội cổ đông; để sửa điều lệ phải đạt tối thiểu 75% tỷ lệ biểu quyết tại đại hội cổ đông.  

Chồng chéo chức năng

Chưa triệt để tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp cũng là hạn chế được chỉ ra.  Cơ quan quản lý hành chính nhà nước vẫn đồng thời là cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch về vai trò, chức năng của cơ quan nhà nước.

Đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa có nhiều điểm chưa rõ ràng như: chưa có văn bản pháp luật nào xác định vị trí của người quản lý doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa, chồng chéo trong quản lý phần vốn và quản lý người đại diện.

Bốn hạn chế, bất cập khác bao gồm, một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển của doanh nghiệp Nhà nước trong kinh tế thị trường và hội nhập.

Cơ chế giám sát và tổ chức thực hiện giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước về sử dụng vốn, tài sản nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty còn nhiều bất cập.

Chậm xây dựng một hệ thống tiêu chí an toàn về mặt tài chính trong hoạt động sản xuất - kinh doanh để làm cơ sở cho giám sát, quản lý nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. Nhiều tập đoàn, tổng công ty đi vay hoặc chiếm dụng vốn quá lớn so với vốn chủ sở hữu, dẫn đến năng lực tài chính yếu kém; không ít tập đoàn, tổng công ty đầu tư quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro, trong khi đang rất thiếu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh chính, vừa làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước vừa làm giảm năng lực thực hiện nhiệm vụ chính được nhà nước giao. Tình trạng này kéo dài trong một thời gian khá lâu nhưng không được các cơ quan quản lý phát hiện, giám sát, điều chỉnh kịp thời.

Việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty còn những điểm chưa hợp lý, chưa rõ ràng vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty.

Qua đợt giám sát này cho thấy, nhiều cơ quan Nhà nước có trách nhiệm còn chưa nắm được một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về vốn, tài sản nhà nước và tình hình hoạt động tại các tập đoàn, tổng công ty, trong khi Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tài chính và chỉ tham gia quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty một cách gián tiếp thông qua các báo cáo của các bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty, báo cáo nêu.