14:46 21/05/2007

Giảm vi phạm bản quyền: Hai việc song song

Tùy Phong

Ý kiến của Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Vũ Đức Đam về mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam

"Chúng ta không thể nói không mua phần mềm của nước ngoài mà chỉ dùng phần mềm Việt Nam, vì nói như vậy là duy ý chí" - Ảnh: Tuấn Hùng.
"Chúng ta không thể nói không mua phần mềm của nước ngoài mà chỉ dùng phần mềm Việt Nam, vì nói như vậy là duy ý chí" - Ảnh: Tuấn Hùng.
Để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm thì Việt Nam phải thực hiện song song hai biện pháp: mua bản phần mềm quyền thương mại và phát triển phần mềm Việt Nam.

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Vũ Đức Đam về mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam.

Thứ trưởng Vũ Đức Đam nói: “Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 51/2007/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010, trong đó đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền trong lĩnh vực phần mềm xuống bằng mức trung bình trong khu vực, thay vì đứng ở hàng đầu như hiện nay. Để làm được việc này, chúng ta phải thực hiện cùng lúc hai biện pháp”.

Biện pháp thứ nhất, theo ông Vũ Đức Đam, là Việt Nam tất yếu phải sử dụng các phần mềm nước ngoài, tuy nhiên, giải pháp tổng thể cho vấn đề này không thể dựa trên quan hệ mua bán thuần túy với các nhà cung cấp phần mềm nước ngoài. “Chúng ta phải dựa trên quan điểm xây dựng đối tác chiến lược với nhà cung cấp để đưa vào đấy những điều kiện cụ thể của Việt Nam về thu nhập, về mức độ sử dụng, ứng dụng”, ông nói.

Cụ thể, quan điểm của Chính phủ chỉ đạo Bộ Bưu chính Viễn thông làm việc với các tập đoàn công nghệ thông tin lớn là không phải trên tinh thần giữa người mua và người bán, bởi nếu như vậy thì với thu nhập của người dân, Việt Nam khó có thể giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền một cách nhanh chóng.

Thứ trưởng Vũ Đức Đam ví dụ: “Chúng tôi đã bàn với IBM và 2 bên thống nhất vấn đề vi phạm bản quyền của hãng này với Bộ cũng trên quan điểm là đối tác chiến lược. Có nghĩa là 2 bên có một kế hoạch tổng thể làm việc với nhau, theo đó, bản quyền phần mềm của hãng trong tương lai sẽ bớt bị vi phạm tại Việt Nam, ngược lại IBM sẽ đóng góp tích cực vào việc phát triển phần mềm của Việt Nam cũng như phát triển môi trường đầu tư công nghệ thông tin tại Việt Nam”.

“Như vậy, thông qua giải pháp này, Việt Nam sẽ bỏ ra một chi phí thấp nhất, hợp lý nhất mua bản quyền để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm nước ngoài ở Việt Nam, song chúng ta cũng thấy có thể thu lại lợi ích lớn hơn thế”, quan chức Bộ Bưu chính Viễn thông lý giải.

“Nhưng, biện pháp thứ 2, biện pháp cực kỳ quan trọng, đó là chúng ta phải có phần mềm Việt Nam. Phần mềm Việt Nam không đơn thuần là của người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam làm ra mà chúng ta có thể hợp tác, vì bây giờ là hội nhập, toàn cầu hóa nên dựa trên các mối quan hệ đối tác chiến lược với nhà đầu tư nước ngoài để chúng ta có những phần mềm làm tại Việt Nam. Đây là điều Việt Nam phải làm”, ông Đam nhấn mạnh.

Song cũng theo ông Vũ Đức Đam, không thể quá thiên về biện pháp nào. “Chúng ta không thể nói không mua phần mềm của nước ngoài mà chỉ dùng phần mềm Việt Nam, vì nói như vậy là duy ý chí, đồng nghĩa với việc chúng ta tự đóng cửa với các nhà đầu tư lớn của nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có công nghệ nguồn vào Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ tập trung vào biện pháp đầu tiên mà không đẩy mạnh vào việc phát triển, có phần mềm của Việt Nam, trước hết là phần mềm số đông mà chúng ta biết đó là phần mềm văn phòng, thì chúng ta phải chịu một phí tổn rất lớn”.

Hiện tại, Việt Nam bị xếp hạng là một trong những nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới. Theo báo cáo của của Liên minh Phần mềm thương mại quốc tế (BSA), công bố vào tháng 5/2007, tỷ lệ vi phạm bản quyền trên mỗi máy tính của Việt Nam qua các năm 2003, 2004, 2005 và 2006 tương ứng là 92%, 92%, 90%, và 88%. Trong khi đó, tỷ lệ vi phạm bản quyền của khu vực Châu Á là 55% trong năm 2006.