08:05 08/09/2018

Giáo dục đại học: "Công hay tư không đúng chuẩn cũng phải giải thể"

Nguyễn Lê

Trường công hay trường tư thì cứ theo chuẩn mà làm, còn không đúng chuẩn thì giải thể

Chuyên gia giáo dục Phạm Tất Dong phát biểu tại hội nghị.
Chuyên gia giáo dục Phạm Tất Dong phát biểu tại hội nghị.

"Tôi nghĩ kể cả đại học công lập cũng như đại học tư anh nào không đúng chuẩn là phải giải thể thì mới đào tạo đúng chất lượng được", Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, ông Phạm Tất Dong góp ý.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 7/9 một số chuyên gia được mời đã lên tiếng.

Trường trung cấp không thể đào tạo đại học

Ông Phạm Tất Dong cho rằng, dự thảo luật cần thể hiện được 4 vấn đề chung. Thứ nhất là hệ đại học của có hiện đại hóa hay không. Thứ hai là có quốc tế hóa hay không. Thứ ba là đại học của Việt Nam đã là nền giáo dục đại học đại chúng hay không và thứ tư là có chuẩn hóa hay không.

Dự thảo viết không rõ lắm về 4 yêu cầu nói trên của giáo dục đại học, ông Dong nhận xét.

Bày tỏ sự tâm đắc với quan điểm nói đến năng lực cạnh tranh trên tầm quốc tế thì cơ bản nhất là chất lượng đào tạo, ông Dong cho rằng luật phải nói rõ chất lượng đào tạo và những quy định để bảo đảm chất lượng đào tạo.

Cứ nói chất lượng đào tạo nhưng các quy định lại không bảo đảm chất lượng thì đó là mâu thuẫn. Ví dụ, khi nói về liên kết đào tạo thì dùng cách cũ đã được nhiều người góp ý, cơ sở giáo dục liên kết với nhiều cơ sở khác trong đó có trung tâm giáo dục thường xuyên, có trường trung cấp để đào tạo học vấn đại học. Tôi nghĩ đây là nguy cơ làm giảm chất lượng đào tạo, không thể nào một trường trung cấp lại đào tạo đại học được. Trung tâm giáo dục thường xuyên lại càng không thể đào tạo đại học được, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Bàn về "chuẩn hoá", ông Dong cho rằng trường công hay trường tư thì cứ theo chuẩn mà làm, còn không đúng chuẩn thì giải thể.

Có một số trường không tài nào đào tạo được nghiên cứu sinh, không đào tạo tốt bậc đại học thì những trường đó nên thôi. Đi lên của chúng ta chủ yếu dựa vào những "đầu tầu" của đại học chứ không phải ở những toa sau, ông Dong góp ý.

Chuyên gia Trần Xuân Nhĩ băn khoăn về định nghĩa trường tư thục không vì lợi nhuận. Bởi, nếu theo định nghĩa này thì cơ sở giáo dục mà các nhà đầu tư cam kết thực hiện hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, đặc biệt không hưởng lợi tức phần lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung...

Trên thực tế ở Việt Nam sẽ không có trường nào không vì lợi nhuận, điều này nếu đưa ra sẽ không khuyến khích phát triển đại học tư thục, ông Nhĩ nhìn nhận.

Theo vị chuyên gia này thì nếu nói rằng nhà đầu tư không được một chút lợi tức nào cả thì chắc chắn là người ta sẽ không đầu tư tiền vào cho giáo dục. 

Không nên e ngại trần học phí

Liên quan đến vấn đề còn có ý kiến khác nhau về trần học phí, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng không nên e ngại là không có trần học phí, nên giao cho cơ sở giáo dục đào tạo tự quyết định mức trần, phải chịu trách nhiệm công khai và có giám sát.

"Chúng ta cũng không e ngại chuyện đó sẽ ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách vì quy định mức học phí nhưng các cơ sở này phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo học bổng cho những đối tượng chính sách, đối tượng nghèo, đối tượng học giỏi, ông Cường nói.

Vị đại biểu đang là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết hiện nay trường này có cam kết quy định tối thiểu trích 8% tổng thu để dành cho quỹ này.

Ông Cường cho rằng trong luật không quy định cụ thể, nhưng nên giao cho Chính phủ quy định các cơ sở giáo dục đại học phải bắt buộc dành một tỷ lệ do Chính phủ quyết định dành để cấp học bổng cho các đối tượng nói trên.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cả hai phương án khống chế trần học phí hoặc bỏ trần đi thì đều có ưu điểm và nhược điểm .

Ông Sơn phân tích, kể cả người học và cơ sở giáo dục đào tạo đều cần phải đảm bảo một yếu tố đó là học phí và các chi phí khác. Nếu không đảm bảo thì sẽ rất khó khăn cho quá trình phát triển của các đại học. Nhưng luật quy định một cách chung nhất thì sẽ thiệt thòi cho các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế có nguyện vọng vào học nhưng không thực hiện được.

Vì vậy đại biểu Sơn đề nghị bổ sung thêm chính sách về tín dụng và học bổng cho đối tượng là sinh viên nghèo, sinh viên hiếu học vào dự thảo luật.