06:01 24/03/2022

Giới đầu tư trái phiếu toàn cầu lỗ nặng chưa từng thấy vì chính sách tiền tệ bắt đầu thắt lại

An Huy

Thị trường trái phiếu toàn cầu đang hứng chịu thua lỗ chưa từng có tiền lệ kể từ khi lập đỉnh vào năm ngoái...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: FT.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: FT.

Nguyên nhân dẫn tới thua lỗ này là việc các ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại sự leo thang của lạm phát.

Bloomberg Global Aggregate Index, một chỉ số về tổng lợi nhuận của trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu, đã giảm 11% kể từ mức đỉnh thiết lập vào tháng 1/2021. Đó là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được ghi lại vào năm 1990, vượt qua mức giảm 10,8% trong khủng hoảng tài chính 2008. Mức giảm này tương đương sự mất mát giá trị thị trường khoảng 2,6 nghìn tỷ USD của chỉ số, lớn hơn mức sụt giảm 2 nghìn tỷ USD hồi năm 2008.

Khi lãi suất tăng, lợi suất trái phiếu - tính bằng lãi suất cuống phiếu (coupon rate) chia cho giá trái phiếu - chịu áp lực tăng theo. Do lãi suất cuống phiếu là cố định, nên lợi suất tăng đồng nghĩa với giá trái phiếu sụt giảm.

Đó là một đòn giáng mạnh vào các nhà quản lý tài sản vốn quen với nhiều năm lợi nhuận đều đặn từ trái phiếu – kênh đầu tư hưởng lợi từ chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Sự sụt giảm này cũng đặt ra một mối đe doạ đặc biệt đối với sự gia tăng của dân số già ở nhiều nền kinh tế lớn, xét tới việc người hưu trí ở các nước này thường dựa nhiều vào thu nhập từ trái phiếu.

 

Sự sụt giảm của giá trái phiếu và cổ phiếu từ đầu năm dến nay đang gây đảo lộn chức năng của một danh mục đầu tư kinh điển với tỷ lệ phân bổ vốn 60/40 vào hai loại tài sản này nhằm cân bằng rủi ro từ thị trường cổ phiếu – vốn được xem là kênh đầu tư rủi ro hơn – với dòng tiền ổn định hơn từ trái phiếu.

Áp lực lạm phát đang gia tăng trên toàn thế giới, khi giá hàng hoá cơ bản tăng vọt do ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine. Sức ép này cũng làm dấy lên mối lo ngại về khả năng của nền kinh tế toàn cầu trong việc vượt qua một thời kỳ lãi suất cao kéo dài trong lúc đại dịch vẫn còn “nhôi nhai” ở nhiều quốc gia.

“Tính chất kênh đầu tư an toàn của trái phiếu kho bạc Mỹ đã bị xói mòn khi nhà đầu tư đưa rủi ro lãi suất thay đổi vào phương trình tính toán”, ông Winson Phoon, trưởng bộ phận nghiên cứu trái phiếu của Maybank Securities Pte., nhận định.

Tuần trước, Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm và tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương này sẵn sàng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp tới nếu cần thiết. Lãi suất tăng làm suy giảm thêm lợi nhuận mà trái phiếu mang lại, vốn dĩ đã bị xói mòn bởi tốc độ lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Trái phiếu doanh nghiệp còn đặc biệt dễ tổn thương trước nguy cơ xuất hiện tình trạng “stagflation” - lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng trì trệ - vì tăng trưởng kinh tế giảm tốc cũng làm gia tăng rủi ro tín dụng của các công ty.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã phục hồi thời gian gần đây, khi nhiều nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu có thể mang lại một “tấm nệm” chống lạm phát. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, chứng khoán toàn cầu vẫn giảm khoảng 6%.

“Với khả năng Fed nâng lãi suất 7 lần trong năm nay, trở ngại đối với trái phiếu sẽ rất lớn”, ông Todd Schubert, trưởng bộ phận nghiên cứu trái phiếu thuộc Bank of Singapore phát biểu. “Nhà đầu tư sẽ cần phải điều chỉnh lại kỳ vọng lợi nhuận và phản ứng linh hoạt để tận dụng sự dịch chuyển của thị trường”.

Sự sụt giảm của giá trái phiếu và cổ phiếu từ đầu năm dến nay đang gây đảo lộn chức năng của một danh mục đầu tư kinh điển với tỷ lệ phân bổ vốn 60/40 vào hai loại tài sản này nhằm cân bằng rủi ro từ thị trường cổ phiếu – vốn được xem là kênh đầu tư rủi ro hơn – với dòng tiền ổn định hơn từ trái phiếu.

Sự sụt giảm của thị trường trái phiếu toàn cầu khiến nhiều người nhớ lại chu kỳ thắt chặt của Fed hồi năm 2018, nhưng chỉ số trái phiếu toàn cầu của Bloomberg chỉ giảm 1,2% trong cả năm đó. Và không giống như cách đây 4 năm, áp lực giá cả hiện nay lớn hơn nhiều và chuỗi cung ứng toàn cầu đang trong tình trạng bị gián đoạn ở nhiều mắt xích quan trọng.

Đối với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, rủi ro tăng trưởng trì trệ và lạm phát tăng tốc đặt ra sức ép tăng lợi suất trái phiếu – theo ngân hàng ANZ.

“Chúng ta có thể sẽ tiếp tục chứng kiến sức ép tăng lợi suất trái phiếu ngày càng lớn, vì chính sách tiền tệ có thể thắt chặt tại một số nền kinh tế của châu Á từ nửa sau của năm nay”, theo chiến lược gia lãi suất cấp cao Jennifer Kusuma của ANZ nhận định.