10:15 12/11/2008

Gỡ khó cho xuất khẩu thời khủng hoảng

Thùy Trang

Xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu bộc lộ những biểu hiện suy giảm do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới

 Để doanh nghiệp bớt khó khăn, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu như giảm lãi suất cho vay, khuyến khích phát triển thị trường chứng khoán, và điều chỉnh mức tỷ giá hợp lý để kích thích xuất khẩu - Ảnh: Việt Tuấn.
Để doanh nghiệp bớt khó khăn, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu như giảm lãi suất cho vay, khuyến khích phát triển thị trường chứng khoán, và điều chỉnh mức tỷ giá hợp lý để kích thích xuất khẩu - Ảnh: Việt Tuấn.
Đúng như nhận định của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu bộc lộ những biểu hiện suy giảm do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.

Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới vẫn có những cách đi khác giúp xuất khẩu vượt qua con đường khó. Và khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm 2008 vẫn khả thi.

Nếu tình hình cứ tiếp diễn như hiện nay, Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu 2 tháng cuối năm chỉ đạt khoảng 9,4 tỷ USD (bình quân 4,7 tỷ USD/tháng), giảm 1,3% so với cùng kỳ 2007, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 62,8 tỷ USD. Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thời điểm này là phải tìm ra chìa khoá mở cửa vào các thị trường thế giới.

Khó khăn chồng chất

Mặc dù Bộ Công Thương thông báo kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2008 đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2007. Thế nhưng, tình hình đang diễn biến hết sức phức tạp.

Các doanh nghiệp phải đối mặt với giá giảm, thị trường bị thu hẹp. Biểu hiện rõ nhất trong tháng 10, kim ngạch dự tính sẽ giảm nhẹ so với mức bình quân từ đầu năm đến nay là 5,4 tỷ USD/tháng, đạt 5,1 tỷ USD nhưng kết quả thực tế đã giảm khá mạnh chỉ đạt 4,7 tỷ USD, giảm tới 700 triệu USD so với tháng trước.

Nguyên nhân chính, một phần do lượng gạo và cao su tháng 10 xuất khẩu ít hơn, phần khác là do giá hàng hoá xuất khẩu tháng 10 tiếp tục giảm sâu hơn tháng 9. Giá dầu thô vốn đã giảm trong tháng 9, nay lại giảm tiếp trong tháng 10 và hiện chỉ còn một nửa so với lúc cao nhất cách đây 3 tháng. Giá gạo cũng xuống thấp 20% so với tháng 9, đến nay nhiều doanh nghiệp đang còn hàng nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng để xuất khẩu tiếp.

Giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như dầu thô giảm 4% so với tháng trước, giá cao su giảm 13,2%, giá cà phê giảm 11,7%... khiến cho người sản xuất nông sản đang ghim giữ hàng hoá không bán, chờ giá  tăng lại.

Mặc dù, một số mặt hàng nông sản khác lại tăng giá như hạt tiêu tăng 148 USD/tấn, giá quế tăng 240 USD/tấn, giá chè tăng 72 USD/tấn nhưng do lượng xuất khẩu chỉ đạt ở mức thấp nên không làm gia tăng giá trị xuất khẩu. Các chuyên gia kinh tế nhận định xu hướng giá thế giới giảm mạnh vẫn sẽ tiếp diễn nên trong tháng 11 này và tháng 12, giá xuất khẩu trung bình các lô hàng vẫn tiếp tục thấp hơn so với tháng 10.

Tại hội nghị cấp cao ACMECS vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua, Giám đốc Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi cũng nhận định tác động chính đối với các nước trong khu vực châu Á từ cuộc khủng hoảng tài chính vẫn là xuất khẩu.

“Khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ bị giảm mạnh, có thể các nước này sẽ chuyển thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chẳng hạn. Trung Quốc buộc phải giảm xuất khẩu sang các thị trường phát triển vì vậy xuất khẩu từ các nước châu Á cũng sẽ giảm theo”, ông Konishi nói. Cũng không loại trừ khả năng các nước này có thể sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, ngay tại thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh sống còn để tồn tại.

Theo dự báo của các chuyên gia, sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt về chất lượng hàng hóa và giá cả để giành thị trường trong 2 tháng còn lại và trong năm 2009. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối đầu với các đối thủ rất nặng ký như Trung Quốc và các nước ASEAN. Đây là những thị trường có những mặt hàng cạnh tranh tương tự với Việt Nam-với cấp độ tinh tế của từng mặt hàng rất đa dạng phù hợp với nhu cầu của các cấp độ khách hàng.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đe doạ khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp được các chuyên gia chỉ ra là do các đối tác nước ngoài không thể mở LC (Tín dụng thư). Đơn giản vì các nước đang siết chặt tín dụng nên các ngân hàng sẽ ngưng cho vay khiến cho nhiều nhà nhập khẩu không mở được LC, theo đó phía Việt Nam sẽ không giao được hàng.

Hiện đã bắt đầu có những lô hàng bị tồn đọng ở cảng do các đối tác không mở được LC. Theo các chuyên gia, nếu tình hình khủng hoảng tài chính không được cải thiện, các ngân hàng Mỹ và châu Âu không mở LC cho các nhà nhập khẩu hàng từ các nước, không loại trừ Việt Nam, thì đây có thể là yếu tố tác động xấu đến xuất khẩu.

Vẫn có cách tháo gỡ

Nền kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng rõ ràng sẽ chứa đựng những yếu tố không thuận lợi cho xuất khẩu, tuy nhiên vẫn tồn tại các dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp xuất khẩu còn có lối đi.

Mối đe doạ trực tiếp chính là sự xuống dốc của những nền kinh tế phát triển và từ đó nhu cầu tiêu thụ hàng hoá cũng suy giảm theo. Về mặt lý thuyết, kinh tế suy thoái có thể làm gia tăng nhu cầu với nhóm hàng giá rẻ như sản phẩm thay thế.

Nhìn ở khía cạnh đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã chỉ ra rằng cơ hội cho xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn còn bởi vì phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là hàng giá rẻ, hàng lương thực thiết yếu.

Do đó, ông Tuyển cho rằng nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không những vẫn giữ được thị trường mà có thể đạt được mức tăng trưởng khá cao như cá ba sa có thể tăng xuất khẩu tại thị trường Nga và Ukraina. Hơn nữa, kể từ năm 2009, ngành dệt may Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác thị trường Nhật Bản sau khi hiệp định hợp tác toàn diện song phương có hiệu lực, trong đó thuế suất nhập khẩu mặt hàng này vào Nhật Bản chỉ còn 0%.

Quả thực, không thể phủ nhận thực tế là các doanh nghiệp đang gặp khó khi việc xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như châu Âu và châu Mỹ có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh vì người tiêu dùng tại những thị trường này đang thắt chặt hầu bao. Tuy nhiên, theo ông Ayumi Konishi, nhu cầu mà giảm thì cũng sẽ giúp các chính phủ ở đó kiềm chế được lạm phát.

Mỹ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam hiện nay. Việc xuất khẩu ít đi vào thị trường Mỹ sẽ làm chậm lại tốc độ phát triển GDP của Việt Nam. Do đó, cần phải chuyển hướng sang các thị trường mới, thị trường khác chứ không nên chỉ tập trung xuất khẩu sang Mỹ.

Trên thực tế, các doanh nghiệp cũng bắt đầu chủ động ứng phó với tình hình, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và chuyển hướng sang những khu vực thị trường khác ít bị ảnh hưởng của khủng hoảng và các thị trường châu Á khác. Bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Phi, châu Đại dương và châu Á đã bắt đầu tăng nhanh.

10 tháng, xuất khẩu vào thị trường châu Á ước đạt 26,5 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, châu Đại Dương ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng khoảng 62% so cùng kỳ 2007; xuất khẩu sang châu Phi đạt 1,05 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2007, đạt cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, rất khó để đánh giá xem hiệu quả của những biện pháp kể trên đến đâu nhưng một giải pháp quan trọng khác cũng được các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, đó là phát triển mặt hàng xuất khẩu mới. Trong danh mục xuất khẩu, mục “những mặt hàng khác” của Việt Nam có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đến 50%. Đây quả là một tỉ lệ không nhỏ nhưng cái “khó” hiện nay là chúng ta chưa xác định được mặt hàng cụ thể nào để có chiến lược đầu tư.

Chính vì vậy, các chuyên gia đưa ra lời khuyên lúc này doanh nghiệp không nên lãng quên một thị trường cũng vô cùng tiềm năng, là thị trường nội địa với 85 triệu dân. Việc khai thác và mở rộng thị phần tại thị trường nội địa cũng là một giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp hạn chế được những tác động bất lợi từ bên ngoài.

Để doanh nghiệp bớt khó khăn, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu như giảm lãi suất cho vay, khuyến khích phát triển thị trường chứng khoán, và điều chỉnh mức tỷ giá hợp lý để kích thích xuất khẩu.