Gỡ vướng mắc Luật Đầu tư 2014
Bổ sung khái niệm “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài”
Những điểm còn chưa rõ về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và thủ tục triển khai dự án đầu tư... trong Luật Đầu tư sẽ được cụ thể hoá trong một phiên bản luật mới.
Luật Đầu tư 2014 được Quốc hội 13 thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2016 có quy mô và mức độ cải cách lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực. Trong khi đó, một số luật khác được ban hành theo cách tiếp cận khác nên quá trình thực hiện Luật Đầu tư đã phát sinh một số vướng mắc từ sự thiếu đồng bộ về phạm vi điều chỉnh giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.
Nhiều quy định chưa theo kịp sự phát triển
Trong đó, một số khái niệm, quy định về thủ tục liên quan tới hoạt động đầu tư của Luật Đầu tư vẫn chưa thực sự rõ ràng và cụ thể hoá. Nhiều quy định còn thiếu, chưa theo kịp xu thế phát triển .
Vì vậy, theo cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, một số khái niệm về đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài hay chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ được làm rõ. Cùng với đó các quy định liên quan tới quy trình đầu tư cũng được chi tiết và cụ thể hoá nhằm tránh tình trạng hiểu không thống nhất giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý.
"Mục tiêu của phiên bản luật mới là hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Đồng thời luật mới hướng tới việc cắt giảm chi phí đầu tư kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý doanh nghiệp phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế", Ban soạn thảo cho biết.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung khái niệm "tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài" để làm rõ tiêu chí về quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với tiêu chí xác định công ty "mẹ con" quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế thuộc một trong các trường hợp như nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đó.
Nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế đó; hay nhà đầu tư nước ngoài có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức kinh tế đó. Trên cơ sở đó, Điều 23 trong Luật Đầu tư cũng được sửa đổi tương ứng.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật
Ngoài ra, theo Ban soạn thảo, dự thảo lần này sẽ sửa đổi các Điều 24, 25 và 26 của Luật Đầu tư theo hướng bổ sung quy định để yêu cầu chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực quan trọng hoặc tại địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp. Làm rõ quy trình, thủ tục, điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 31 theo hướng: loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư; bao gồm dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên, các dự án mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được quy định cụ thể tại điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan như dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài.
Bổ sung quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 32 theo hướng bổ sung dự án của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển vào diện chấp thuận chủ trương đầu tư để thống nhất với Luật Đất đai. Phân cấp cho UBND cấp huyện chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án do hộ gia đình, cá nhân thực hiện để thống nhất với thẩm quyền quản lý đất đai của UBND cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai.