17:40 23/04/2022

GS.TS Hoàng Văn Cường: 80% nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam muốn tự đầu tư nên dễ có tâm lý “bầy đàn”

Vũ Phong

Đây chính là điểm mà thị trường Việt Nam kém chuyên nghiệp hơn thị trường khác trên thế giới...

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Hiện nay, thị trường xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng, với bối cảnh kinh tế khó khăn như năm 2020-2021, thị trường vốn tại Việt Nam phát triển nhanh sẽ mang lại rất nhiều rủi ro.

Chia sẻ về quan điểm trên tại Hội nghị: “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế”, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng việc phát triển nhanh của thị trường vốn là điều hoàn toàn bình thường.

Bởi lẽ, thị trường vốn tại các quốc gia khác cũng có xu hướng tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp khó khăn. Đồng thời, quy mô vốn tại Việt Nam vẫn còn nhỏ và nền kinh tế lại đang bước vào giai đoạn phục hồi nên nhu cầu vốn là rất lớn.

“Chính vì quy mô nhỏ và nhu cầu sử dụng vốn lớn và tiềm năng phát triển thị trường được đánh giá là tiềm năng tốt. Đây chính là cơ sở đặt ra để nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin vào nhu cầu vốn ở Việt Nam”, ông Cường nói.

Thêm vào đó, ông Cường cũng cho rằng, nhu cầu đầu tư cá nhân của người Việt Nam rất cao; đặc biệt tiền cá nhân cũng lớn, đây là tiềm năng để tiếp cận đầu tư.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam có đặc điểm rất khác biệt. Trong đó, 80% nhà đầu tư cá nhân muốn tự đầu tư, còn ở nước ngoài thì ngược lại, 80% nhà đầu tư thực hiện đầu tư thông qua những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

“Đây chính là điểm mà thị trường Việt Nam kém chuyên nghiệp hơn thị trường thế giới. Mà chính vì kém chuyên nghiệp hơn nên các nhà đầu tư tư nhân dễ có tâm lý "bầy đàn", rất dễ bị dẫn dắt”, ông Cường nhấn mạnh.

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với tỷ lệ phát hành riêng lẻ lên tới 90% lượng trái phiếu phát hành, ông Cường đánh giá điều này sẽ gây ra những rủi ro cho những nhà đầu tư chưa được kiểm định trên thị trường chứng khoán.

Trong khi thực tế cho thấy, cũng giống như trên thị trường chứng khoán, phần đông người bỏ tiền ra mua trái phiếu doanh nghiệp đều là nhà đầu tư cá nhân.

Từ thực tế trên, ông Cường cho rằng, về mặt quy định, nhà quản lý cần tính đến việc chấp nhận cho nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu này. Về mặt nguyên lý, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu này cần xếp hạng tín dụng, cần tăng cường các tổ chức xếp hạng doanh nghiệp.

Ông Cường kiến nghị, một mặt cần đẩy mạnh xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, cần nêu trách nhiệm của các tổ chức đứng ra làm trung gian môi giới để kiểm soát thông tin, để bảo đảm các thông tin đó tuân thủ pháp luật, tránh những rủi ro; đồng thời chính là những cơ quan cảnh báo về khả năng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân.

Mặt khác, việc ngăn chặn hành động lũng đoạn thị trường là cần thiết, tuy nhiên phải "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Trong việc xảy ra lũng đoạn thị trường thì có việc bản thân các cơ quan quản lý nhà nước phải biết trước điều này và thực hiện vai trò của mình.

"Do đó cần tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan giao trách nhiệm kiểm soát thị trường", ông Cường nhấn mạnh.