Hà Giang là tỉnh duy nhất chưa có siêu thị
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Việt Nam có 8.539 chợ, 957 siêu thị và 189 trung tâm thương mại.
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Giang là tỉnh duy nhất chưa có siêu thị.
Đây là số liệu được Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đưa ra tại một hội thảo liên quan đến phát triển thương mại và dịch vụ vừa được tổ chức.
Theo đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong giai đoạn 2011- 2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam là 10%/năm, đạt 3.234,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2017.
Mặc dù ở giai đoạn sau (từ 2011 trở lại đây), tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nhưng tính chung từ 2006 - 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.
Đạt được kết quả này là nhờ Việt Nam có hạ tầng thương mại tương đối phát triển. Cụ thể, các loại hình hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại đã được quan tâm đầu tư và có sự tăng trưởng nhanh chóng.
Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại trong thời gian gần đây nhưng vẫn giữ được vai trò quan trọng, duy trì sự cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại với lưu lượng hàng hóa qua chợ cao.
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần là các chợ hoạt động hiệu quả (97%) và thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ. Số lượng chợ đầu mối trên cả nước còn khiêm tốn với 83 chợ, chiếm 0,97%.
Bên cạnh đó, cả nước có 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Giang là tỉnh chưa có siêu thị. Việt Nam cũng có 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố. Riêng 5 thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, số lượng siêu thị chiếm 47% và số lượng trung tâm thương mại chiếm 50% so với tổng số lượng siêu thị và trung tâm thương mại cả nước.
Về dịch vụ, cả nước hiện có 15 trung tâm hội chợ triển lãm được phân bố tại 11 tỉnh thành; 50 trung tâm logistics tại 8 tỉnh thành phố.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, với vị trí trung tâm Đông Nam Á, lại có quy mô kinh tế mở, Việt Nam có tiềm năng lớn trong ngành dịch vụ logistics và đây là ngành được kỳ vọng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Dù tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhưng ông Trần Duy Đông cho rằng, ngành thương mại dịch vụ nước ta còn nhiều hạn chế. Điều này được thể hiện ở tăng trưởng chưa bền vững, dịch vụ hỗ trợ các hoạt động thương mại còn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, các hoạt động thương mại truyền thống chưa bắt kịp sự phát triển của thương mại điện tử, thương mại số hóa.
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh...) tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn...
Để phát triển hơn nữa ngành thương mại, dịch vụ, ông Nguyễn Văn Hội cho biết, tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại.
Đặc biệt là tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ qua đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh.