07:36 11/07/2025

Lo ngại thực hiện hoá đơn điện tử, nhiều hộ kinh doanh lựa chọn giảm quy mô

Song Hà

Từ 1/1/2026, thuế khoán sẽ bị bãi bỏ, thay vào đó, hộ kinh doanh chuyển sang hình thức tự khai, nộp thuế theo doanh thu thực tế. Điều này khiến nhiều hộ kinh doanh lo lắng do tăng chi phí, giảm lợi nhuận; gặp khó khăn do thiếu kiến thức, kỹ năng công nghệ; sự phức tạp của các thủ tục đăng ký và kê khai…

Nhiều hộ kinh doanh nhỏ không biết thực hiện hoá đơn điện tử bắt đầu từ đâu.
Nhiều hộ kinh doanh nhỏ không biết thực hiện hoá đơn điện tử bắt đầu từ đâu.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ trước đến nay, các hộ, cá nhân kinh doanh thường được áp dụng các quy định pháp lý đơn giản, trong đó chế độ hóa đơn, chứng từ. Việc này mang lại sự thuận tiện và đơn giản cho hộ kinh doanh, nhưng cũng tiềm ẩn tình trạng giấu doanh thu.

Nhằm minh bạch doanh thu, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, Nghị định 70/2025/NĐ-CP (Nghị định 70) ra đời yêu cầu các hộ kinh doanh đang nộp thuế theo phương pháp khoán và có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế đang đề xuất lộ trình áp dụng: Từ 01/01/2026 - 31/12/2026, có doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng phải sử dụng hóa đơn, chứng từ đơn giản (dự kiến lập "biên nhận bán hàng điện tử" qua app, Zalo, SMS hoặc mẫu có mã QR); từ năm 2027, hộ kinh doanh có doanh thu từ 800 triệu đồng/năm phải áp dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế và từ năm 2028, tất cả các hộ kinh doanh thuộc diện chịu thuế sẽ áp dụng yêu cầu này.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 năm tới đây, chế độ hóa đơn, chứng từ với các hộ kinh doanh sẽ thay đổi toàn diện, căn bản.

MỚI KHOẢNG 11% HỘ KINH DOANH THỰC SỰ HIỂU RÕ NGHỊ ĐỊNH 70

Tại “Hội thảo tham vấn kết quả khảo sát hộ kinh doanh về việc thực hiện hoá đơn điện tử, kết nối với cơ quan thuế” của VCCI ngày 10/7/2025, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định Nghị định 70 là một bước đi quan trọng của Chính phủ nhằm tăng cường tính minh bạch, hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế và từng bước xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả.

Khảo sát trong một thời gian ngắn của VCCI với gần 1.400 hộ kinh doanh trên toàn quốc, cho thấy bức tranh hiện lên vừa nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít khó khăn, lo lắng. Một con số tương đối tích cực, chẳng hạn như 94% hộ kinh doanh được khảo sát trực tiếp đã biết đến Nghị định 70.

“Hiếm có nghị định nào Chính phủ ban hành mà chỉ trong thời gian ngắn mức độ hiểu biết, mức độ nhận biết tương đối lớn như vậy. Đây là một con số đáng khích lệ”, ông Tuấn nhận định.

Tuy nhiên, nếu đi sâu hơn, khảo sát cho thấy chỉ có một bộ phận tương đối ít, khoảng 11% thực sự hiểu rõ nội dung Nghị định 70 và nghĩa vụ của mình. Đặc biệt, hơn 50% cho biết chưa từng nhận được hỗ trợ rõ ràng từ cơ quan thuế ở địa phương. Tức là, dù thay đổi lớn đối với họ về thuế, nhưng sự tương tác trực tiếp đối với cơ quan thuế địa phương thì chưa có.

Nghị định 70 có hiệu lực từ ngày 01/6/2025 nhưng có tình trạng nhiều hộ kinh doanh lúng túng khi phải đầu tư trang thiết bị, phải học và thao tác trên các thiết bị công nghệ mới...

Khảo sát cũng cho thấy rất nhiều hộ phản ánh lo ngại về chi phí đầu tư, về gánh nặng vận hành, hay những thách thức trong thay đổi thói quen kinh doanh.

Thậm chí đã xuất hiện tâm lý lo lắng và hiểu sai chính sách, khi không ít hộ kinh doanh lo sợ rằng việc kê khai doanh thu thực tế sẽ làm tăng đột biến số thuế phải nộp so với hình thức thuế khoán trước đây. Vì thế, 63% hộ kinh doanh được khảo sát lựa chọn giảm quy mô, duy trì hoạt động nhưng thu hẹp lại. Các siêu thị mini và nhóm khác có xu hướng giảm quy mô rất cao, lần lượt ở mức 91% và 100%.

Lo ngại thực hiện hoá đơn điện tử, nhiều hộ kinh doanh lựa chọn giảm quy mô - Ảnh 1

Sự thiếu thông tin và những tin đồn thất thiệt đã dẫn đến các phản ứng tiêu cực như tạm đóng cửa (23% hộ kinh doanh lựa chọn), hạn chế nhận chuyển khoản hoặc cố tình ghi sai nội dung giao dịch để né tránh.

Với những tác động trên, 54% tổng số hộ kinh doanh được khảo sát lo ngại khi thực hiện nghĩa vụ này. Trong đó, khu vực đô thị 58% hộ kinh doanh lo ngại nhiều hơn so với các hộ ở nông thôn (50%).

Các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng (66%) có mức độ lo ngại cao hơn hẳn so với các hộ có doanh thu nhỏ hơn (50%). Cửa hàng tạp hoá thể hiện mức độ lo ngại cao nhất, với 55%.

CHÍNH SÁCH CẦN “THẤU CẢM” VỚI KHÓ KHĂN

Phó Tổng thư ký VCCI nhận định hộ kinh doanh là một lực lượng quan trọng, linh hoạt và năng động trong nền kinh tế quốc dân, nhưng cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi chính sách thay đổi. Chính sách dù đúng đắn, nếu không được thực thi một cách thấu đáo, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn cũng khó mang lại hiệu quả như mong muốn.

Trong khi đa số hộ kinh doanh là nhỏ lẻ, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, với nguồn lực hạn chế, trình độ công nghệ còn thấp, nếu không có sự hỗ trợ thích đáng, nhóm này sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi. Và điều này sẽ tác động không nhỏ đến sinh kế của hàng triệu người dân, đặc biệt hàng triệu hộ kinh doanh, cũng là tiềm năng cho hàng triệu doanh nghiệp quy mô nhỏ, quy mô vừa và thậm chí quy mô lớn trong thời gian tới.

Chính vì thế, ông Tuấn cho rằng việc nuôi dưỡng các hộ kinh doanh cũng là một động lực để chúng ta thực hiện thành công Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Nhưng chuyển đổi không chỉ đến từ mệnh lệnh hành chính. Nó cần phải được xây dựng trên cơ sở hiểu biết, đồng thuận và hỗ trợ lẫn nhau”, ông Tuấn bày tỏ.

Chính vì thế, cần có sự minh bạch trong truyền thông chính sách, sự linh hoạt trong quá trình triển khai, và đặc biệt là sự thấu cảm với những khó khăn thực tế mà các hộ kinh doanh đang trải qua, đang gặp phải.

Đồng tình, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh vai trò của hộ kinh doanh trong nền kinh tế. Khu vực này đóng góp khoảng 23,5% GDP cho đất nước; giải quyết vấn đề an sinh xã hội, việc làm… cho nền kinh tế.

Chính vì thế, Nghị quyết 68, Nghị quyết 198 của Quốc hội đã đưa ra 3 cơ chế chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh phát triển. Đó là nâng cấp từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp siêu nhỏ thì sẽ được miễn thuế 3 năm đầu; được hỗ trợ một phần về quy trình thủ tục và kể cả phần mềm kế toán; hỗ trợ về quản trị điều hành.

Song để hộ kinh doanh “không sợ” Nghị định 70, theo TS. Lực phần mềm kê khai nộp thuế cần hết sức đơn giản, mô hình quản trị cũng phải cực kỳ đơn giản cho hộ kinh doanh. “Không cần Hội đồng quản trị, không cần ban kiểm soát, không cần kế toán trưởng. Chỉ cần một giám đốc, một tài chính kế toán và những nhân viên kinh doanh, tiếp thị, bán hàng…”, ông Lực kiến nghị.

"Cần phải xem xét lại mức 200 triệu với mức 1 tỷ đồng trong sử dụng hóa đơn điện tử. Có nên vẫn chấp nhận thuế khoán, nhưng ở mức nhỏ lẻ, hay hỗn hợp vừa có cả thuế khoán, vừa có loại không thuế khoán…?”, ông Lực đặt nêu câu hỏi; đồng thời cho rằng cần đào tạo hướng dẫn viên và những hướng dẫn viên này đến từng hộ gia đình “cầm tay chỉ việc”, như vậy sẽ cực kỳ hiệu quả với hộ kinh doanh.