13:35 31/01/2024

Hà Nội chính thức thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp

Hà Lê

Dự kiến ngày 1/2, Sở Giao thông vận tải sẽ đưa tuyến đường dành riêng cho xe đạp này vào hoạt động. Tuyến đường dành cho xe đạp có khả năng kết nối ga Láng của đường sắt Cát Linh - Hà Đông và ga số 8 của đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Tuyến đường dọc sông Tô Lịch dành riêng cho xe đạp. Ảnh: HNM
Tuyến đường dọc sông Tô Lịch dành riêng cho xe đạp. Ảnh: HNM

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội vừa có văn bản về việc điều chỉnh tổ chức giao thông thí điểm làn đường cho xe đạp tuyến ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hòa. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1/2.

Theo đó. Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông tuyến đường ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hòa. Từ đường dành cho người đi bộ thành đường ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ (Đường cho xe đạp và người đi bộ đi chung). Đường cho xe đạp tổ chức giao thông hai chiều, chiều rộng 3m, bố trí phía sông Tô Lịch; đường đi bộ rộng 1m bố trí phía đường Láng.

Một phần vỉa hè phía đường Phạm Văn Đồng, giao phố Đỗ Nhuận, được đề xuất làm làn đường riêng cho xe đạp.Ảnh: Quỳnh Anh.
Một phần vỉa hè phía đường Phạm Văn Đồng, giao phố Đỗ Nhuận, được đề xuất làm làn đường riêng cho xe đạp.Ảnh: Quỳnh Anh.

Loại hình xe đạp được phép tham gia giao thông trên tuyến đường thí điểm là xe đạp di chuyển hoàn toàn bằng sức người (các loại xe đạp điện không được phép đi vào). Trên tuyến bổ sung 6 trạm xe đạp công cộng gần các điểm dừng, chờ xe buýt; 1 trạm xe đạp tại Ga S8 của Tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội (tại Ga Láng đã có 1 trạm xe đạp công cộng).

Xe đạp trên tuyến này được kết nối với đường xe đạp đi chung trên các tuyến đường khác như: đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương thông qua các nút giao (nút giao cầu Mọc, nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh Trần Duy Hưng; nút giao đường Láng - Lê Văn Lương; nút giao cầu 361; nút giao cầu Cót; nút giao cầu Yên Hòa).

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông triển khai thi công, điều chỉnh, lắp đặt hệ thống biển báo, sơn kẻ tổ chức giao thông theo đúng nội dung thông báo tổ chức giao thông. Đơn vị cũng cần phối hợp với Thanh tra Sở, các đơn vị theo dõi tình hình giao thông để báo cáo đề xuất điều chỉnh những bất cập.

Về phía Thanh tra Sở GTVT Hà Nội được giao nhiệm vụ bố trí lực lượng phối hợp với cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua khu vực trong thời gian thí điểm. Theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện, báo cáo, đề xuất lãnh đạo Sở nếu có những bất cập…

Trước đó, tháng 11/2023, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất tổ chức hai tuyến đường dành cho xe đạp. Tuyến thứ nhất được Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất là tuyến đường dọc sông Tô Lịch, từ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) đi quận Cầu Giấy dài 2,3km, rộng 4m, dự kiến được cải tạo thành làn đường dành cho xe đạp đi hai chiều rộng 3m, 1m còn lại dành cho người đi bộ.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đây là tuyến đường có khả năng kết nối với ga Láng (đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông) và ga số 8 của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. Tuyến đường cũng sẽ tạo kết nối với các tuyến xe buýt trên đường Láng thông qua 6 trạm chờ. Các đơn vị liên quan sẽ bổ sung 6 trạm xe đạp công cộng dọc tuyến.

Tuyến thí điểm thứ hai là đường xung quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo (quận Bắc Từ Liêm). Để xây dựng làn đường riêng cho xe đạp tại khu vực công viên Hòa Bình, Sở này cho biết cần sửa chữa vỉa hè, tạo đường ưu tiên cho xe đi hai chiều trên hè, rộng 3m.

Kinh phí thí điểm hai tuyến đường trên gần 10 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.Trong đó tuyến dọc sông Tô Lịch là 970 triệu đồng, tuyến xung quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo 8,8 tỷ đồng.

Còn dịch vụ xe đạp công cộng được Hà Nội khai trương từ tháng 8/2023. Sau khi khai trương, khoảng 1.000 phương tiện trong đó 500 xe đạp điện và 500 xe đạp công cộng đã được đưa vào phục vụ người dân tại Thủ đô ở 79 điểm trạm trong khu vực các quận nội thành. Việc Hà Nội mạnh dạn thí điểm bố trí đường riêng cho xe đạp được xem là bước tiến lớn và thể hiện quyết tâm phát triển giao thông công cộng của Thủ đô.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, xe đạp công cộng là mảnh ghép không thể thiếu để phát triển giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Tại các nước tiên tiến trên thế giới và gần nhất với Việt Nam là Trung Quốc, xe đạp công cộng được chú trọng đầu tư, phát triển.

Ông Nguyễn Phi Thường cũng khẳng định việc dành hạ tầng cho xe đạp công cộng đóng vai trò hết sức quan trọng, đây là bước tiến lớn và thể hiện quyết tâm phát triển giao thông công công cộng của Thủ đô.