Hà Nội: Đến năm 2030, lao động qua đào tạo đạt 75 – 80%
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%, trong đó lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 60%; lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%...
Chiến lược phát triển thị trường lao động TP. Hà Nội đến năm 2030 vừa được Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành cho thấy mục tiêu khá tham vọng.
Cụ thể, TP. Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%, trong đó lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55 - 60% vào năm 2025 và đạt trên 60% vào năm 2030 (mỗi năm đào tạo nghề cho 230.000 lượt người). Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030.
Thành phố cũng phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 2,5%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%. Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 30% và đến năm 3030 dưới 20%.
Về tạo việc làm cho thanh niên, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 100% thanh niên được tiếp cận các thông tin về nghề nghiệp và việc làm; đến năm 2025, 85% thanh niên trong lực lượng lao động được giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng, hội nhập với thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Trong dài hạn, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2026-2030, quản lý và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về lao động, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và các tỉnh khác.
Đến năm 2030, hệ thống thông tin thị trường lao động của TP. Hà Nội được hiện đại hóa, dữ liệu được liên thông giữa các vùng trên toàn quốc và mở rộng kết nối với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt tại một số nước là thị trường lao động chính của Việt Nam.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, thành phố sẽ tập trung rà soát, kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về cung-cầu lao động, kết nối cung-cầu lao động để phù hợp với quy luật của thị trường lao động, công ước, tiêu chuẩn quốc tế đã được Việt Nam phê chuẩn và phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.
Hà Nội cũng xây dựng cơ chế đặc thù và triển khai thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho các nhóm lao động đặc thù (người khuyết tật; người lao động dân tộc thiểu số; lao động khu vực nông thôn; học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp).
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển cung-cầu lao động, xây dựng và cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động; khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung-cầu lao động, triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung, kết nối cấp vùng và trung ương; có sự kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội...