11:34 09/07/2025

Quy định mới về thời điểm hưởng lương hưu từ tháng 7/2025

Nhật Dương

Với quy định mới có hiệu lực từ đầu tháng 7, thời điểm hưởng lương hưu được xác định theo các trường hợp nhất định, nhằm đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm xã hội...

Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cho người hưởng. Ảnh: TH.
Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cho người hưởng. Ảnh: TH.

Hưu trí là chế độ quan trọng nhất trong chính sách bảo hiểm xã hội. Với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, chế độ này tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung nhiều quy định mới quan trọng, tăng quyền lợi người thụ hưởng.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ THỜI ĐIỂM HƯỞNG LƯƠNG HƯU

Về thời điểm hưởng lương hưu, Thông tư 12 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, đã hướng dẫn cụ thể thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu trong các trường hợp:

Trường hợp thông thường: Lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu, và đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (từ đủ 15 năm trở lên).

Về tuổi nghỉ hưu, năm 2025, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là 61 tuổi 3 tháng đối với nam, và 56 tuổi 8 tháng đối với nữ. Cứ mỗi năm, tuổi nghỉ hưu của lao động nam tăng thêm 3 tháng và lao động nữ tăng thêm 4 tháng. Lộ trình này hướng tới mức tuổi nghỉ hưu cuối cùng là 62 tuổi với nam (vào năm 2028), và 60 tuổi với nữ (vào năm 2035).

Tiếp tục làm việc sau khi đủ tuổi: Nếu người lao động đã đủ tuổi và đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng vẫn tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời điểm hưởng lương hưu sẽ là tháng liền kề sau tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc chấm dứt làm việc.

Hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động: Thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động. Nếu kết luận này có trước tháng đủ tuổi nghỉ hưu, thời điểm hưởng lương hưu vẫn tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu.

Trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh: Nếu hồ sơ chỉ ghi năm sinh hoặc tháng, năm sinh, thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, với ngày sinh được xác định là ngày 1/1 của năm sinh đó.

Hưởng lương hưu sớm với thời gian đóng bảo hiểm xã hội 15 năm đến dưới 20 năm: Đối với người lao động thuộc diện này, theo quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, thời điểm hưởng lương hưu sớm nhất là từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Đóng bù thời gian còn thiếu: Lương hưu sẽ được hưởng từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho số tháng còn thiếu.

Không còn hồ sơ gốc trước năm 1995: Thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm được ghi trong văn bản giải quyết của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Theo quy định mới, lương hưu sẽ được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, sẽ có sự điều chỉnh thỏa đáng đối với người có mức lương hưu thấp, và nghỉ hưu trước năm 1995 để thu hẹp khoảng cách.

TRỢ CẤP MỘT LẦN KHI DƯ NĂM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

Ngoài lương hưu hằng tháng, người lao động còn có thể được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội vượt quy định: Lao động nam đóng cao hơn 35 năm; lao động nữ đóng cao hơn 30 năm.

Người hưởng sẽ được nhận thêm trợ cấp một lần khi nghỉ hưu nếu dư năm đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: XM. 
Người hưởng sẽ được nhận thêm trợ cấp một lần khi nghỉ hưu nếu dư năm đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: XM. 

Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn quy định (trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu), được tính bằng 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Mỗi năm đóng cao hơn quy định (kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, nếu vẫn tiếp tục đóng), được tính bằng 2 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Luật mới cũng tiếp tục cho phép người lao động có thể lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thay vì lương hưu nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể: (i) Chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi hưởng lương hưu; (ii) Ra nước ngoài để định cư.

(iii) Mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; (iv) Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng.

(v) Có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/2025, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

(vi) Đối với quân nhân, công an, cơ yếu phục viên, xuất ngũ, thôi việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, và không đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Mức hưởng trợ cấp một lần được tính theo số năm đã đóng và căn cứ đóng bảo hiểm xã hội: Trước năm 2014, bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm.

Từ năm 2014 trở đi, bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm. Trường hợp thời gian đóng chưa đủ một năm, mức hưởng bằng số tiền đã đóng, nhưng không quá 2 tháng mức bình quân tiền lương.

Trường hợp hưởng trợ cấp một lần do bệnh hiểm nghèo, hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, mức hưởng bao gồm cả phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện).