21:46 20/09/2021

Hà Nội: Gỡ bỏ quy định phân vùng, dừng kiểm soát giấy đi đường trong thành phố

Thành phố sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không áp dụng cấp giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân di chuyển trên địa bàn Thành phố, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác phòng chống dịch, trong giám sát, truy vết…

Thành phố Hà Nội họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thành phố Hà Nội họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chiều 20/9, Thành phố Hà Nội đã họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, UBND TP sẽ ban hành Chỉ thị mới làm căn cứ để toàn Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện từ 6h ngày 21/9/2021. Trong đó, mục tiêu hàng đầu mà Thành phố luôn đặt ra là đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân và sự an toàn tuyệt đối trong Thủ đô, kiểm soát tình hình trên địa bàn Thành phố trong khi dịch bệnh phức tạp khó lường, phấn đấu tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng cũng cho biết, Thành phố sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không áp dụng cấp giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân di chuyển trên địa bàn Thành phố, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác phòng chống dịch, trong giám sát, truy vết, quản lý di biến động của người dân. Cùng với đó sẽ không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

DUY TRÌ 22 CHỐT RA, VÀO THÀNH PHỐ

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 27/4 đến 06h00 ngày 20/9/2021, Hà Nội ghi nhận tổng số 4.187 ca, trong đó có 1.311 ca ngoài cộng đồng; 1.854 ca trong khu cách lỵ, 760 ca trong khu phong tỏa; 213 ca trong bệnh viện; 49 ca nhập cảnh.

Số ca mắc trung bình/ngày trong đợt giãn cách thứ 4 giảm rất mạnh còn 27,7 ca/ngày (đợt 1: 71,2 ca/ngày, đợt 2: 56,8 ca/ngày, đợt 3: 71,1 ca/ngày). Hiện tại Thành phố có 10 chùm ca bệnh mới/phức tạp: Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân (584 ca); Văn Miếu, Đống Đa (118 ca); Văn Chương, Đống Đa (98 ca); Minh Khai, Hai Bà Trưng (60 ca); Thanh Liệt, Thanh Trì (19 ca); chung cư A1-A4-A5 Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai (23 ca); Tả Thanh Oai, Thanh Trì (10 ca), Việt Hưng, Long Biên (08 ca); Thụy Hương, Chương Mỹ (05 ca); Liên Phương, Thường Tín (04 ca).

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội dự kiến thu hẹp các chốt kiểm soát ra vào Thành phố đang thực hiện. Cụ thể, trong giai đoạn tiếp theo, duy trì 55 chốt trên địa bàn Thành phố, trong đó có 22 chốt tại quốc lộ ra, vào Thành phố, 33 chốt tại các đường ngang, lối mở giáp ranh với các tỉnh lân cận (trước đó là 23 chốt của các tuyến quốc lộ, 44 chốt đường ngang, lối mở).

Trong quá trình triển khai các chốt kiểm soát ra vào Thành phố từ ngày 24/7 đến nay, Công an TP Hà Nội đánh giá, các chốt kiểm soát cơ bản đã ngăn chặn sự xâm lấn dịch bệnh vào Thành phố, kiểm soát được phương tiện ra vào. Vì vậy, giai đoạn tiếp theo cần duy trì các chốt kiểm soát để bảo vệ thành quả chống dịch. Việc đặt chốt trên nguyên tắc kiểm soát cả chiều vào và chiều ra Hà Nội, kiểm soát chặt người từ vùng có dịch, vùng nguy cơ vào Thành phố.

Trong thời gian tiếp theo, Công an Thành phố tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin & Truyền thông để triển khai việc quét mã QR tại các chốt kiểm soát; trong kiểm soát người vào Thành phố chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm và các yếu tố dịch tễ.

Thông tin tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn còn, vẫn có một số chùm ca bệnh, tại một số khu vực mật độ dân cư đông, ngõ chật hẹp,… vì thế Thành phố xác định nới lỏng một số hoạt động nhưng kèm theo là yêu cầu chặt chẽ về phòng dịch.

Mục tiêu hàng đầu đặt ra trong thời gian tới là đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân, giữ an toàn cho Thủ đô, tiếp tục kiểm soát tốt tình hình trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng mũi 2 cho người dân, điều chỉnh giải pháp an toàn, đảm bảo an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh dịch vụ phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Về nguyên tắc và định hướng lớn, Thành phố sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không áp dụng cấp giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân di chuyển trên địa bàn Thành phố, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác phòng chống dịch, trong giám sát, truy vết. Không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Tiếp tục duy trì phong tỏa hẹp, quản lý chặt các điểm phong tỏa trên địa bàn, đẩy nhanh tốc độ truy vết khi có trường hợp dương tính phát sinh để ngăn chặn, cách ly ngay nguồn lây.

NGUY CƠ DỊCH BỆNH BÙNG PHÁT VẪN CÒN

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, căn cứ tình hình dịch tễ, xác định rõ nguy cơ và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; phối hợp, trao đổi với các tỉnh, thành phố xung quanh, Hà Nội xây dựng và đưa ra những giải pháp trong công tác phòng, chống dịch sau ngày 21/9, trên quan điểm giữ được thành quả phòng, chống dịch, đồng thời phát huy hiệu quả cao hơn và toàn diện hơn trên các lĩnh vực.

Cụ thể, Thành phố nới lỏng một số hoạt động và yêu cầu, một mặt quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch để duy trì kết quả, thành quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua; mặt khác tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại và tạo điều kiện cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân; có điều kiện để chuẩn bị và tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện cho ngành y tế Thủ đô, từ nguồn nhân lực, trang thiết bị.

Nhấn mạnh kết quả đạt được vừa qua có sự chung tay, đóng góp rất lớn, chấp nhận rất nhiều khó khăn để có được kết quả này, nhưng Phó Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, kết quả này có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có ý thực tự giác chấp hành, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng mong muốn, ngoài việc thực hiện thông điệp 5K, việc người dân khai báo y tế thường xuyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực tế vừa qua có những ca ho, sốt không khai báo, khi nhập viện mới phát hiện. Nếu khai báo sớm thì sẽ ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho hay, mặc dù hiện nay Thành phố đã tiêm vaccine mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành Y tế, trạng thái của Thành phố vẫn chưa thể trở lại “bình thường mới” vì hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2. “Do vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay trở lại cuộc sống bình thường được”, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

UBND TP. Hà Nội đang giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện sau ngày 21/9; Tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11/2021, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.