10:37 18/10/2024

Hạn chế tối đa các vụ án dân sự bị sửa, hủy hoặc tồn đọng kéo dài

Đỗ Mến

Có những vụ việc tưởng hết sức đơn giản nhưng lại bị kéo dài bởi xác định sai thẩm quyền giải quyết, thường gặp ở các trường hợp như: Tòa án xác định không đúng nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc nơi có bất động sản tranh chấp nên thụ lý, xét xử sai thẩm quyền theo lãnh thổ..

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CTV.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CTV.

Ngày 17/10, Liên ngành Viện Kiểm sát – Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm về các vụ án dân sự, hôn nhân - gia đình bị sửa, hủy và chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, quá trình xét xử các vụ án Dân sự - Hôn nhân gia đình, vẫn còn nhiều bản án, quyết định có sai sót, vi phạm về tố tụng hoặc nội dung.

Mặc dù số án sửa, hủy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số vụ án đã giải quyết, tuy nhiên, các vụ án Dân sự - Hôn nhân gia đình bị sửa, hủy hiện nay có xu hướng tăng, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Có những vụ việc tưởng hết sức đơn giản nhưng lại bị kéo dài bởi xác định sai thẩm quyền giải quyết, thường gặp ở các trường hợp như: Tòa án xác định không đúng nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc nơi có bất động sản tranh chấp nên thụ lý, xét xử sai thẩm quyền theo lãnh thổ, hoặc vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố nhưng Tòa án cấp huyện thụ lý giải quyết.

Đơn cử như vụ tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, hủy Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đất nông nghiệp giữa nguyên đơn bà Tài Thị Phương và bị đơn ông Nguyễn Xuân Kiên, bà Nguyễn Thị Loan.

Chị Thu là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hiện đang sinh sống tại Nhật Bản nhưng TAND huyện Hoài Đức không xác minh cụ thể nơi cư trú của chị Thu để xác định thẩm quyền giải quyết.

Nguyên đơn yêu cầu huỷ các Quyết định của UBND huyện liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi các thửa đất 650, 651, yêu cầu UBND huyện thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ đối với 02 thửa đất trên cho gia đình, các yêu cầu này thuộc thẩm quyền của TAND thành phố theo quy định tại điều 3, 30, khoản 4 điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 nhưng cấp sơ thẩm vẫn thụ lý là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Trong số các vụ án sửa toàn bộ bản án hoặc sửa một phần đáng kể, có tới gần 50% số vụ có kháng nghị của Viện Kiểm sát, chủ yếu tập trung vào các vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế, hợp đồng có sai sót trong đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật nhưng chưa đến mức phải hủy án hoặc những vụ án có vi phạm về tố tụng, vi phạm về nội dung nhưng những sai sót, vi phạm đã được Tòa án cấp phúc thẩm khắc phục.

Liên ngành xác định, năm 2025 phải giải quyết dứt điểm loại vụ việc này hoặc hạn chế đến mức tối đa các vụ án bị hủy, bị sửa hoặc bị tồn đọng kéo dài…

Có nhiều lý do dẫn đến việc hủy, sửa án. Ngoài những vụ án bị sửa, hủy do phát sinh tình tiết mới tại cấp phúc thẩm, phần còn lại vi phạm chủ yếu và phổ biến dẫn đến Tòa sửa, hủy án là những vi phạm nghiêm trọng, không tuân thủ quy định của pháp luật như: thụ lý không đúng thẩm quyền, xác định không đúng quan hệ pháp luật, xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng, vi phạm trong đánh giá, xác minh, thu thập chứng cứ; các vi phạm về tính án phí, lệ phí…

Tuy nhiên, trong số các nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng án bị sửa, hủy thì yếu tố chất lượng, trình độ năng lực đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường, đây là dịp để các Thẩm phán, Kiểm sát viên nhìn nhận, rút kinh nghiệm những vấn đề còn hạn chế, tồn tại, còn nhiều quan điểm, vướng mắc.

Qua đó trao đổi, cùng khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử và kiểm sát xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Cán bộ, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát giải quyết án dân sự phải nhận thức đúng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác kiểm sát giải quyết án.

Phát huy tinh thần tự giác, tích cực học tập, nghiên cứu, tự nâng cao kiến thức thông qua việc tự học, tự đọc và thường xuyên cập nhật, nắm vững các quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật đất đai, các quy chế, văn bản của Ngành và các văn bản pháp luật có liên quan, đồng thời không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Chủ động thực hiện các biện pháp sáng tạo, đột phá trong công việc để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê, theo dõi, quản lý quá trình thụ lý, thời hạn giải quyết án, tra cứu văn bản, số hóa hồ sơ vụ án và báo cáo giải quyết án bằng sơ đồ tư duy, tranh tụng tại phiên tòa thông qua hình ảnh... đảm bảo thuận lợi và hiệu quả trong công tác.