Hàn Quốc muốn gia nhập đường đua khai phá vũ trụ
Hàn Quốc đang dẫn đầu trong một số lĩnh vực công nghệ, nhưng chương trình vũ trụ của nước này chưa bắt kịp hai quốc gia láng giềng Nhật Bản và Trung Quốc...
Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc Lim Hye-sook ngày 14/7 cho biết nước này sẽ thúc đẩy chương trình khai phá vũ trụ của mình với nhiều vệ tinh mới nhằm giành vị trí dẫn đầu trong cuộc đua phát triển công nghệ 6G cũng như vì các mục đích an ninh quốc gia.
Theo đó, Hàn Quốc dự kiến phóng nhiều vệ tinh “đa năng” mới trên các tên lửa chế tạo trong nước và sứ mệnh cuối cùng là khai phá Mặt trăng.
“Khám phá vũ trụ sẽ là nền tảng cho các doanh nghiệp mới”, bà Lim Hye-sook cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg mới đây. “Nếu có hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu riêng, chúng tôi sẽ có hệ thống định vị chính xác và chi tiết. Lý do cần điều này là mức độ chính xác của hệ thống sẽ hữu ích cho các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp mới như di chuyển trên không trong đô thị, máy bay không người lái và dịch vụ xe tự lái”.
Hồi tháng 5, Hàn Quốc đạt được thỏa thuận song phương với Mỹ, giúp nước này chế tạo động cơ tên lửa mạnh hơn và nhanh chóng bắt kịp trong mảng kinh doanh vũ trụ thương mại. Ngày 21/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý chấm dứt hướng dẫn phát triển tên lửa đạn đạo song phương, vốn lâu nay hạn chế việc phát triển tên lửa của Seoul (hạn chế ở tầm bay 800 km).
Nằm trong kế hoạch này, tháng 10 tới, Hàn Quốc dự kiến phóng tên lửa ba giai đoạn Nuri. Dự án trị giá 1,8 tỷ USD này sẽ phóng một tên lửa với tải trọng 1,5 tấn vào quỹ đạo cách Trái Đất 600-800 km. Đây sẽ là bước tiến lớn so với tên lửa hai giai đoạn Naro do Hàn Quốc và Nga hợp tác chế tạo. Tên lửa Naro có trọng lượng 140 tấn, được phóng thành công vào năm 2013 sau hai lần thất bại trước đó. Còn tên lửa Nuri có trọng lượng 200 tấn và dự kiến có vụ phóng thứ hai mang theo một vệ tinh thăm dò vào tháng 5/2022.
“Ngành công nghiệp vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao dựa trên thông tin tình báo, nhưng cũng là một ngành quan trọng trong chiến lược quốc gia nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn công cộng”, bà Lim cho biết.
Với chương trình vũ trụ quốc gia, Hàn Quốc dự kiến xây dựng hệ thống định vị vệ tinh riêng cũng như mạng lưới vệ tinh truyền thông 6G. Ngoài ra, nước này đặt mục tiêu đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng vào năm 2030. Đây là mục tiêu được Hàn Quốc đặt ra hơn một thập kỷ trước và mới đây, nước này đã tham gia chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng.
Hiện tại, dù Hàn Quốc là nước dẫn đầu trong một số lĩnh vực công nghệ, nhưng chương trình vũ trụ của nước này chưa bắt kịp hai quốc gia láng giềng Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khi đó, Triều Tiên đã phóng được nhiều tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và một tên lửa dân dụng dùng công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa - vượt xa những tên lửa mà Hàn Quốc phóng từ trước tới nay.
Thời gian qua, Hàn Quốc cũng đã và đang thúc đẩy “Dự án 425”, dự kiến phóng các vệ tinh giám sát với độ phân giải cao vào đầu năm 2022. Dự án này sẽ mang lại nhiều ứng dụng trong cả lĩnh vực quân sự và dân sự để theo dõi các vệ tinh của Triều Tiên và Trung Quốc.