12:41 05/07/2021

Đi ngược xu hướng ở châu Á, Hàn Quốc “tự tin” mở cửa trở lại

Ngọc Trang

Từ ngày 1/7, người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ từ nước ngoài được phép nhập cảnh vào Hàn Quốc mà không cần cách ly 2 tuần...

Người đi bộ tại quận mua sắm Myeongdong tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 5 - Ảnh: Reuters
Người đi bộ tại quận mua sắm Myeongdong tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 5 - Ảnh: Reuters

Vào thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19 năm ngoái, trong khi phần lớn các nước tại châu Á bắt đầu phong tỏa, giãn cách, Hàn Quốc đi ngược xu hướng này với chiến lược chống dịch nhắm giữ cho nền kinh tế duy trì mở cửa nhiều nhất có thể.

Giờ đây, sau hơn 18 tháng, quốc gia châu Á lại một lần nữa đi ngược xu hướng khi đang tiến hành các bước cụ thể để mở cửa lại biên giới, theo tờ SCMP.

SỐNG CHUNG VỚI DỊCH, ĐI NGƯỢC XU HƯỚNG Ở CHÂU Á

Từ ngày 1/7, những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ từ nước ngoài được phép nhập cảnh vào Hàn Quốc mà không cần cách ly 2 tuần với mục đích nhập cảnh gồm thăm gia đình, làm ăn kinh doanh, học tập hay các lý do vì lợi ích cộng đồng. Một điều kiện nữa là trong vòng 21 ngày trước khi nhập cảnh, họ không di chuyển qua một trong 21 quốc gia được xếp vào loại “nguy cơ cao”.

Người nhập cảnh phải được tiêm một trong những loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép và trình giấy chứng nhận tiêm chủng cũng như các giấy tờ chứng minh lý do tới Hàn Quốc. Ngoài ra, họ cũng phải xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành và khi tới nơi.

Từ đầu tháng 5, những người đã tiêm vaccine Covid-19 tại Hàn Quốc được miễn cách ly khi họ trở về từ nước ngoài. Ngoài ra, những người đã tiêm ít nhất một liều vaccine ở trong nước cũng được nới lỏng một số hạn chế như tham gia sự kiện giải trí ngoài trời và bắt buộc đeo khẩu trang. 

Không giống ở Bắc Mỹ và châu Âu - nơi hơn 50% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine - tại Hàn Quốc, tỷ lệ này hiện chỉ khoảng 30%. Tính tới ngày 2/7, khoảng 10% dân số Hàn Quốc đã tiêm vaccine đầy đủ. 

Dù chưa mở cửa hoàn toàn, cách tiếp cận của Hàn Quốc với vấn đề này khác xa so với tại khu vực châu Á - nơi chưa nhiều nơi nới lỏng các quy định kiểm soát biên giới trong bối cảnh tốc độ tiêm vaccine diễn ra chậm chạp và biến thể virus mới nguy hiểm hơn đang lây lan nhanh chóng. 

“Cách tốt nhất là thích nghi và học cách ‘sống chung với dịch bệnh’”, bà Alice Hyun-Kyung Tan, bác sĩ nội khoa kiêm chuyên gia tư vấn tại Bệnh viện Phụ nữ MizMedi ở Seoul, Hàn Quốc, cho biết. “Chiến lược thích ứng là tiêm chủng quốc gia, xét nghiệm một cách có chiến lược, cách ly cùng các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng bền vững”. 

Người nhập cảnh từ Ấn Độ - một quốc gia có nguy cơ cao - được cảnh sát hướng dẫn khi đến Sân bay Quốc tế Incheon của Hàn Quốc hôm 2/7 - Ảnh: Yonhap / EPA
Người nhập cảnh từ Ấn Độ - một quốc gia có nguy cơ cao - được cảnh sát hướng dẫn khi đến Sân bay Quốc tế Incheon của Hàn Quốc hôm 2/7 - Ảnh: Yonhap / EPA

Tuy vậy, tại châu Á, ít quốc gia, vùng lãnh thổ nào có ý định làm theo Hàn Quốc. Tuần trước, nhà chức trách Singapore cho biết đang chuẩn bị cho một tương lai mà trong đó đại dịch Covid-19 trở thành điều đặc hữu, là một phần trong cuộc sống thường ngày. Tuy vậy, nhà chức trách nước này chưa có lộ trình cụ thể cho việc mở cửa trở lại và vẫn áp dụng quy định cách ly 14 ngày tại khách sạn với hầu hết người nhập cảnh. 

Trong khi đó, vào tháng trước, Hồng Kông đã giảm thời gian cách ly bắt buộc tại khách sạn từ 14 ngày xuống còn 7 ngày với người nhập cảnh đã tiêm vaccine, có xét nghiệm âm tính và không đi qua những nơi được xem là “nguy cơ cao” hoặc “nguy cơ cực cao” như Anh, Indonesia và Philippines. Tuy vậy, Hồng Kông chưa đưa ra thông tin nào về việc khi nào sẽ mở cửa trở lại và mở như thế nào. 

Còn tại Australia, nơi đóng cửa biên giới với hầu hết khách nước ngoài từ tháng 3 năm ngoái, mới đây cho biết có thể sẽ chưa nới lỏng các quy định nhập cảnh ít nhất tới giữa năm 2022. Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 2/7 thông báo nước này sẽ giảm một nửa giới hạn lượng khách nhập cảnh hàng tuần trong bối cảnh biến thể Delta của Covid-19 - lần đầu phát hiện ở Ấn Độ - đang lây lan ra nhiều thành phố của nước này. Ông Morrison cũng cho biết chính phủ sẽ đặt ra các mục tiêu tiêm chủng - nhưng chưa được xác định cụ thể - để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. 

Trong khi đó, từ đầu tháng này, Thái Lan mở cửa hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket cho những du khách đã tiêm vaccine đầy đủ và tới từ những quốc gia nguy cơ thấp. Tuy nhiên, du khách đã tiêm vaccine tới những khu vực khác của Thái Lan vẫn phải cách ly 14 ngày tại khách sạn.

VÌ SAO HÀN QUỐC "TỰ TIN"?

Ông Jung Ki-Suck, cựu giám đốc Cơ quan Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hàn Quốc, cho biết Seoul đang tự tin nới lỏng các quy định nhập cảnh sau khi chứng minh có khả năng kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh trong nước và hoàn thành việc tiêm chủng cho những người trên 60 tuổi đủ điều kiện.

“Chính phủ Hàn Quốc khá tự tin với khả năng hỗ trợ y tế tốt, người dân rất hợp tác và khả năng tuyên truyền thông tin rộng rãi tới người dân nhờ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin vượt trội. Ngay cả người già cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh và ứng dụng”, ông Jung Ki-Suck cho biết. 

Ông Jung, hiện là giáo sư Đại học Thánh tâm Hallym, cho rằng kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc vào quan hệ với thế giới bên ngoài, trong khi người trẻ nước này cũng đang háo hức được du lịch trở lại. 

“Hàn Quốc sống nhờ vào xuất khẩu nhiều loại hàng hóa khác nhau. Vì vậy, chính phủ muốn mở cửa biên giới càng sớm càng tốt”, ông nhấn mạnh. 

Ngược lại với Mỹ và châu Âu, nơi gần 1,8 triệu người tử vong vì Covid-19, Hàn Quốc được tán thưởng nhờ thành công trong ứng phó với đại dịch khi chỉ ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong trên tổng dân số hơn 51 triệu người. Nhưng không giống Australia, New Zealand, Hồng Kông, Đài Loan và những nền kinh tế “không Covid” - hướng tới dập tắt Covid-19 hoàn toàn, Hàn Quốc giờ đây ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày.

Thay vì phong tỏa trên diện rộng, chính phủ Hàn Quốc áp dụng cách ly bắt buộc tại nhà, truy vết tiếp xúc nhờ công nghệ cao và tiến hành xét nghiệm hàng loạt để kiểm soát các đợt bùng phát dịch. Chính quyền khu vực cũng hạn chế tụ tập và đóng cửa các địa điểm giải trí có nguy cơ cao như hộp đêm và quán karaoke trong những đợt bùng dịch lớn. Tuy vậy, nước này tránh áp dụng lệnh bắt buộc ở nhà hoặc giới nghiêm để hầu hết doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động. 

Năm ngoái, kinh tế Hàn Quốc suy giảm 1% - một thành tích “xuất sắc” mà Tổng thống Moon Jae-in cho là có được nhờ chiến lược chống dịch tránh phong tỏa của nước này. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiêm vaccine Covid-19 tại Seoul ngày 23/3/2021 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiêm vaccine Covid-19 tại Seoul ngày 23/3/2021 - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, chiến lược chống dịch của Seoul cũng vấp phải không ít tranh cãi. Cũng như phần lớn châu Á - Thái Bình Dương, chiến dịch tiêm chủng tại nước này khởi động khá chậm chạp. Nhiều người chỉ trích chính phủ Hàn Quốc không hành động đủ sớm để mua vaccine dù hiện tại nước này có tỷ lệ tiêm chủng nằm trong nhóm cao ở khu vực, sau Mông Cổ, Trung Quốc đại lục, Singapore và Hồng Kông. 

Hôm 1/7, Hàn Quốc ghi nhận 800 ca nhiễm Covid-19 mới, mức cao nhất một ngày kể từ đầu tháng 1 khiến chính quyền các tỉnh phải hoãn lại một tuần kế hoạch nới lỏng quy định thời gian tập trung đông người tại nhà riêng và nhà hàng đối với những người chưa được tiêm chủng. 

Bên cạnh đó, hệ thống truy vết phức tạp của Hàn Quốc cũng làm dấy lên nhiều quan ngại về vấn đề riêng tư khi nhà chức trách có quyền truy cập camera giám sát, lịch sử thẻ tín dụng và dữ liệu định vị di động mà không có lệnh. 

Giáo sư về dịch bệnh học Cho Sung-il tại Đại học Quốc gia Seoul, chiến lược mở cửa của Hàn Quốc không phải không có rủi ro, đặc biệt là khi biến thể lây lan nhanh Delta đang khiến dịch bệnh bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới. 

“Giống như ở các quốc gia khác, đây là một cuộc chạy đua giữa việc tiêm chủng và sự lây lan của biến chủng, giữa mức độ và tốc độ nới lỏng quy định phòng dịch giữ an toàn trong nước”, ông Cho nói.

Tuy vậy, ông tin rằng việc nới lỏng quy định nhập cảnh là “ý tưởng chấp nhận được” do có số lượng lớn người Hàn Quốc sống ở nước ngoài, tốc độ triển khai vaccine và việc tiếp tục thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội.