19:56 07/02/2023

Hàn Quốc và Việt Nam hợp tác phát triển lâm nghiệp công nghệ cao

Chu Khôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc vừa trao đổi, nhấn mạnh các nội dung hợp tác và xúc tiến hợp tác trong thời gian tới. Cụ thể: Quản lý rừng bền vững; Chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và một số lĩnh vực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao…

Khởi động trồng rừng tại Cồn Nổi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Khởi động trồng rừng tại Cồn Nổi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Chiều 7/02/2023 tại khu vực Cồn Nổi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình và Ban Quản lý dự án Lâm nghiệp tổ chức Lễ khởi động trồng rừng trong khuôn khổ Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS).

PHỤC HỒI RỪNG NGẬP MẶN VEN BIỂN

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc Sang-seop Lim khẳng định: Trồng rừng, phục hồi rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng quảng canh dưới tán rừng ngập mặn là dự án hợp tác đầu tiên giữa 2 cơ quan của 2 nước trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Bên cạnh việc tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, tăng diện tích rừng trồng, thì việc hỗ trợ nuôi trồng thủy hải sản của dự án sẽ góp phần nâng cao sinh kế cho người dân ở các vùng có liên quan.

Tổng nguồn vốn thực hiện Dự án là hơn 4,3 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc xấp xỉ 3,8 triệu USD tương đương trên 89 tỷ đồng; còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án KFS được triển khai tại 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình, trước đó đã khởi động tại tỉnh Nam Định vào giữa năm 2022.

Lễ khởi động trồng rừng ngập mặn.
Lễ khởi động trồng rừng ngập mặn.

Dự án sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: Hỗ trợ tài chính để phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn; đầu tư vào cơ chế quản lý hiệu quả hơn thông qua các hoạt động hỗ trợ nuôi trồng thủy hải sản bền vững gắn với rừng ngập mặn; đa dạng hóa các lợi ích lâu dài từ việc bảo vệ và duy trì rừng ngập mặn qua hỗ trợ sinh kế bền vững.

 

"Dự án của KFS sẽ tập trung trồng mới 250 ha, phục hồi 80 ha rừng ngập mặn tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định và khu vực huyện Kim Sơn - tỉnh Ninh Bình; thiết lập ươm giống cây rừng ngập mặn tại Kim Sơn, Ninh Bình; hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và phát triển du lịch trong rừng ngập mặn". 

Ông Sang-seop Lim, Thứ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc.

Theo Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích rừng ven biển Việt Nam hiện nay khoảng 454.000ha. Dù chỉ chiếm khoảng 3% tổng diện tích rừng quốc gia, rừng ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sóng, gió, hạn chế xói lở bờ biển, bảo vệ đê biển.

Thời gian qua, độ che phủ rừng của Việt Nam giữ ổn định khoảng 42%, nhưng rừng ven biển lại bị suy thoái. Rừng ngập mặn ở Việt Nam đã giảm gần một phần ba, từ 408.500ha năm 1943 xuống chỉ còn hơn 270.000ha hiện nay.

Ở nhiều nơi của Việt Nam, rừng ven biển đã bị chuyển đổi thành các hoạt động ngắn hạn sinh lời không bền vững, trong khi công tác khôi phục rừng ngập mặn vô cùng khó khăn và phức tạp.

BẠN HÀNG LỚN VỀ GỖ VÀ LÂM SẢN

Trước đó, vào chiều 6/2/2023, ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp và làm việc với Thứ trưởng Lim Sang Seop.

Thứ trưởng Lim Sang Seop cho biết lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên rừng là vấn đề toàn cầu, cần sự chung tay của nhiều quốc gia. Hàn Quốc đang vận hành hệ thống quản lý tài nguyên rừng bằng chỉ số, số hóa trong hệ thống quản lý rừng được cập nhập liên tục 5 năm một lần.

Trên hệ thống này, ngoài những thông tin cơ bản, còn bao gồm các chỉ số về mẫu đất, nhiệt độ đất... phục vụ công tác quản lý cháy rừng, giúp giám sát và theo dõi trực tiếp rừng.

 

"Hàn Quốc là bạn hàng lớn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, và nhiều sản phẩm của lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Tập đoàn SK đã bắt đầu thảo luận với các cơ quan phía Việt Nam để thực hiện nội dung tín chỉ các-bon".

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đặc biệt, gần đây Hàn Quốc rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ rừng và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra nên vấn đề số hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại trong bảo vệ rừng, ứng dụng công nghệ drone (thiết bị bay không người lái), trí tuệ nhân tạo và trực thăng vào giám sát rừng.

Thứ trưởng Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc đề xuất hai bên cụ thể hóa các chương trình hợp tác vào năm 2024, khi Dự án “Phục hồi và quản lý rừng mập mặn vùng đồng bằng sông Hồng” bước sang giai đoạn 2.

Bên cạnh đó, ông Lim đề xuất Việt Nam tích cực tham gia Trung tâm Hợp tác lâm nghiệp Hàn Quốc - Mekong (KMFCC) bên cạnh các thành viên gồm các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào và Myanmar.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang tăng trưởng rất tích cực. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Hàn Quốc đạt 1,03 tỷ USD.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, nhóm hàng gỗ, ván, ván sàn và đồ nội thất bằng gỗ là 2 nhóm hàng xuất khẩu chính với trị giá chiếm tỷ trọng cao, chiếm 57% trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ vàn sản phẩm gỗ của Việt Nam. Đặc biệt, Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường chính cho xuất khẩu viên nén của Việt Nam.

Để thúc đẩy thương mại nông sản giữa 2 nước trong tình hình mới, ông Nghĩa đề xuất phía Hàn Quốc tiếp tục nâng cao nhận thức về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của hai quốc gia để thương mại hai chiều tiếp tục được củng cố và phát triển trong thời gian tới.

“Hàn Quốc và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác lâm nghiệp vào năm 1999. Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên đã kéo dài hơn 20 năm, vì vậy đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và phía Hàn Quốc cùng rà soát, đánh giá và ký biên bản hợp tác mới mang tính toàn diện hơn trong thời gian tới”, ông Nghĩa đề xuất.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị và Thứ trưởng Sang-seop Lim.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị và Thứ trưởng Sang-seop Lim.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao sự hỗ trợ và phối hợp của Hàn Quốc trong các chương trình, dự án hợp tác lâm nghiệp với Việt Nam trong thời gian qua, tiêu biểu là Dự án “Phục hồi và quản lý rừng mập mặn vùng đồng bằng sông Hồng” năm 2022. Những dự án này không chỉ góp phần phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam mà còn giúp đóng góp chung vào nỗ lực ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Về đề nghị tích cực tham gia Trung tâm Hợp tác lâm nghiệp Hàn Quốc - Mekong (KMFCC), Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sớm có ý kiến trên tinh thần sẽ tham gia hiệu quả. Phía Việt Nam sẽ giao Tổng cục Lâm nghiệp và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình hợp tác gồm nhiều nội dung như bảo vệ rừng, chuyển đổi số, tín chỉ các bon, REDD+...