18:03 16/12/2022

Kỳ vọng “kỳ tích sông Hồng” từ hợp tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc

Ánh Tuyết - Tú Anh

Nhìn lại chặng đường 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư FDI số 1 và thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc tăng trưởng thần tốc 160 lần. Đẩy mạnh sự hợp tác thời gian tới, Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo nên “kỳ tích sông Hồng” nhờ niềm cảm hứng và động lực từ “kỳ tích sông Hàn”...

Hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, ngày 16/12, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Hữu nghị Việt - Hàn (VIKOFA) đồng tổ chức “Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam — Hàn Quốc 2022”, với chủ đề “Cùng gắn bó bền chặt - Hướng tới sự thịnh vượng 100 năm”.

Diễn đàn là cơ hội để hai bên cùng thảo luận về quan hệ đối tác trong 100 năm tới. Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam — Hàn Quốc 2022 thu hút sự tham gia của khoảng 500 khách mời là những nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực kinh tế và chính trị của hai nước. 

QUAN HỆ VIỆT NAM - HÀN QUỐC 30 NĂM NHÌN LẠI

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992, Hàn Quốc và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Theo đó, Hàn Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam; có tới 59 tỉnh, thành phố ở Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại trực tiếp với Hàn Quốc.

 

Đáng chú ý, Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1; là đối tác viện trợ phát triển, thị trường du lịch, hợp tác lao động đứng thứ 2, là thị trường xuất khẩu thứ 3. Thương mại hai nước chỉ ở mức 500 triệu USD năm 1992, tăng tới 161 lần lên mức 80,7 tỷ USD năm 2021 và dự kiến đạt mức 100 tỷ USD năm 2023.

Cùng với đó, gần 200.000  người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam và cũng ngần ấy người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc, trong đó, có các gia đình đa văn hóa Việt Hàn, điều này cho thấy mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ, thuỷ chung giữa hai nước chúng ta.

Các mối quan hệ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thể thao… cũng rất sôi động.

Đặc biệt, năm 2021, Chính phủ Việt Nam quyết định Chương trình giáo dục phổ thông, góp phần xóa bỏ rào cản ngôn ngữ. Dựa trên mối quan hệ bền chặt từ lâu, hai nước đang dần tiến tới mối quan hệ gắn bó hơn, khăng khít hơn, toàn diện hơn. 

Mới đây, lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. 

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, khẳng định đây là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường sự hiểu biết, tạo nên niềm tin và thống nhất các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Trong 30 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao 1922, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt được những bước phát triển vượt bậc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau, tin cậy chính trị và tình hữu nghị giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng được củng cố. 

"Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược Việt Nam, Hàn Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả, nền tảng hợp tác vững chắc, ngày càng sâu đậm trên mọi lĩnh vực. Trên cơ sở đó hai nước nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp kỷ niệm 30 năm kỷ niệm ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc", Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Thông tin về những thành tựu Việt Nam đạt được thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cho hay tính đến năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.000 USD, quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện ký kết 15 hiệp định thương mại với trên 60 nước, vùng lãnh thổ với những thị trường lớn nhất thế giới. Hiện Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

"Nhận thức rõ tầm quan trọng, cấp thiết về điều chỉnh mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế theo hướng bền vững hơn, tự cường hơn, chính sách và định hướng thu hút FDI Việt Nam hiện chuyển từ đơn thuần, sang hợp tác cùng phát triển, lợi ích hài hòa và khó khăn chia sẻ, cùng với trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Hai nước còn nhiều tiềm năng để hợp tác, bởi nội lực dồi dào của mỗi quốc gia cũng như sự hội nhập mạnh mẽ của thời đại, của cách mạng công nghiệp 4.0, của liên kết hội nhập khu vực sâu sắc, đặc biệt bản sắc văn hóa đặc sắc của hai quốc gia".

Thay mặt Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đọc bài phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định hai nước cần phải chuẩn bị một chiến lược vì sự thịnh vượng chung trong 100 năm tới dựa trên sự tin cậy lẫn nhau được xây dựng trong 30 năm qua.

Theo đó, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, trọng tâm là tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng vì an ninh kinh tế và chuyển đổi sang nền kinh tế số, lĩnh vực thân thiện với môi trường.

Từ phía Hàn Quốc, ông Choi Jin Young, Tổng giám đốc The Korea Herald, nêu rõ: "Hàn Quốc và Việt Nam đã có thể cùng nhau mở ra một kỷ nguyên mới và tuyệt vời dựa trên tình bạn sâu sắc và sự tin tưởng lẫn nhau trong hơn 30 năm qua. Tôi hy vọng diễn đàn lần này sẽ là nền tảng để chúng ta cùng nhau phát triển và tìm ra giải pháp để hai nước cùng chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu”.

ƯU TIÊN HỢP TÁC 5 LĨNH VỰC

Ngay tại diễn đàn chứng kiến lễ ký kết hợp tác trao đổi công nghệ y tế giữa Bệnh viện Myong Ji (Hàn Quốc) và tỉnh Thái Bình (Việt Nam). Bệnh viện Myongji tại Hàn Quốc có 33 chuyên khoa, 28 trung tâm, 24 phòng khám và 680 giường bệnh, cung cấp dịch vụ y tế tiêu chuẩn chất lượng cao. Bệnh viện điều trị chủ yếu về ghép gan, thận, điều trị bệnh tim mạch, điều trị ung thư và phẫu thuật, phẫu thuật thông thường khác, cũng là bệnh viện tốt nhất Hàn Quốc trong lĩnh vực điều trị bệnh lây nhiễm quốc tế như Mers, Covid-19.

Lễ ký kết hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc.
Lễ ký kết hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc.

Nhắn nhủ lời cảm ơn các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tới Việt Nam, đầu tư ở Việt Nam và coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc (VIKOFA), cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc đã thành công ở Việt Nam, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Việt Nam, góp phần vào tăng trưởng, đóng góp cho ngân sách của chính phủ Việt Nam, mang sản phẩm “made in Việt Nam” , “made by Korea” đến với thị trường thế giới.

Cùng với đó, "một số doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đã quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, lập trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) ở Việt Nam, tạo hệ sinh thái, kết nối, cộng sinh có hiệu quả với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, cắm rễ sâu vào nền kinh tế Việt Nam", ông Lộc nhấn mạnh. Tuy nhiên, rất tiếc là số lượng doanh nghiệp này không nhiều.

 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc (VIKOFA).
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc (VIKOFA).

"Vì vậy, cần nỗ lực chung tay nâng cấp đầu tư của Hàn quốc vào Việt Nam trong tầm nhìn 30 năm tới.

Từ đó, các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào các mắt xích, các khâu có giá trị gia tăng lớn hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu của Hàn Quốc, để “kỳ tích sông Hàn” sẽ là niềm cảm hứng và động lực góp phần tạo nên “kỳ tích sông Hồng” ở Việt Nam", ông Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lộc, làn sóng đầu tư mới của Hàn quốc vào Việt Nam phải theo định hướng phát triển bền vững, dựa trên 3 trụ cột: đổi mới sáng tạo, thân thiện với môi trường, kết nối được với doanh nghiệp địa phương. Chính phủ hai nước cần có chính sách thúc đẩy các xu hướng này.

"Chúng tôi hy vọng rằng, Hàn Quốc đã đi đầu trong làn sóng đầu tư FDI thứ nhất vào Việt Nam suốt trong ba thập kỷ qua, sẽ tiếp tục đi đầu trong làn sóng đầu tư thứ hai vào Việt Nam trong tầm nhìn 30 năm tới", ông Lộc kỳ vọng.

Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc (VIKOFA) cũng đề nghị những lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư trong những năm tới.

Một là, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế thông minh.

Hai là, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.

Ba là, phát triển công nghiệp văn hóa.

Bốn là, phát triển du lịch.

Năm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đặc sản…

Cùng với hợp tác kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc, cũng đề nghị hợp tác Việt - Hàn trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế… cần được tiếp tục đẩy mạnh; các hoạt động giao lưu nhân dân, chia sẻ những giá trị văn hoá tinh thần cần được lan tỏa.