14:30 17/01/2009

Hãng bán lẻ hàng điện tử lớn thứ hai nước Mỹ đóng cửa

Mai Phương

Circuit City - hãng bán lẻ hàng điện tử có lịch sử từ năm 1949 của Mỹ - sẽ thanh lý hàng hóa và đóng cửa hoàn toàn

Theo tuyên bố của Circuit, lượng hàng tồn kho của công ty hiện có trị giá từ 1,2 - 1,3 tỷ USD.
Theo tuyên bố của Circuit, lượng hàng tồn kho của công ty hiện có trị giá từ 1,2 - 1,3 tỷ USD.
Circuit City, hãng bán lẻ hàng điện tử hàng đầu, có lịch sử từ năm 1949 của Mỹ, vừa tuyên bố sẽ thanh lý hàng hóa và đóng cửa toàn bộ 567 cửa hàng còn lại của hãng tại nước này.

Đây là hồi kết đáng buồn của chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ điện tử có quy mô lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ sau hãng Best Buy.

Ngày 10/11/2008, Circuit City nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của luật phá sản Mỹ. Ở thời điểm đó, hãng hy vọng vẫn sẽ tiếp tục duy trì hoạt động nếu tìm được khách mua lại.

Tuy nhiên, sau đó, các vụ đàm phán mua lại với khách hàng tiềm năng, trong đó có người giàu thứ tư ở Mexico là Ricardo Salinas Pliego và một quỹ đầu tư cổ phần tư nhân có tên Golden Gate Capital ở San Francisco (Mỹ) đều đổ bể, buộc hãng phải đi tới quyết định thanh lý hàng hóa và đóng cửa lại toàn bộ các cửa hàng còn lại tại Mỹ. Quyết định này của Circuit đã nhận được sự đồng ý của tòa án.

Theo luật sư của Circuit City, ông Gregg Galardi, nếu có thêm thời gian, Circuit có thể bán lại một số cửa hàng và trở thành một công ty được tái cơ cấu sau khi được bảo hộ phá sản.

Khó khăn mà Circuit phải đối mặt bắt đầu gia tăng kể từ khi đối thủ Best Buy và hệ thống siêu thị Wal-Mart bắt đầu bán TV và máy tính với mức giá rẻ hơn so với hàng của Circuit, khiến doanh số của hãng liên tục đi xuống. Tình hình còn tệ hơn khi kinh tế Mỹ lún sâu vào suy thoái và các nhà cung cấp buộc Circuit phải trả tiền trước mới được giao hàng. Cạn vốn, Circuit buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Theo tuyên bố của Circuit, lượng hàng tồn kho của công ty hiện có trị giá từ 1,2 - 1,3 tỷ USD. Các chủ nợ của Circuit được đảm bảo sẽ lấy lại 70,5% số tiền mà công ty này nợ họ, nhưng các cổ đông có lẽ sẽ mất trắng.

“Đáng tiếc cho hơn 30.000 nhân viên và các khách hàng trung thành của Circuit City , chúng tôi không thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ và ngân hàng. Chúng tôi vô cùng thất vọng trước kết cục này”, ông James A. Marcum, quyền giám đốc điều hành của Circuit, cho biết. Theo thống kê, Circuit có tổng số 34.000 nhân viên.

Theo giới quan sát, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại nữa về kinh tế Mỹ. “Người ta không muốn chứng kiến các cửa hàng bán lẻ phải ngừng hoạt động. Điều này có vẻ giống như mọi thứ đang trượt ra ngoài tầm kiểm soát”, anh Tom Kinley, một khách hàng trong cửa hiệu của Circuit nói.

Tuy nhiên, sự ra đi của Circuit có lẽ lại là điều đáng mừng đối với không ít đối thủ của hãng như Best Buy, Hhgregg hay Conn’s.

Quá trình thanh lý tài sản tại Circuit sẽ diễn ra từ ngày 17/1 này tới ngày 31/3. Nhân viên của công ty đã bị sa thải sẽ nhận được tiền lương và phúc lợi cho thời gian 60 ngày kể từ ngày 16/1. Những nhân viên ở lại với công ty để hỗ trợ quá trình thanh lý sẽ có thêm lương và tiền phúc lợi.

Được thành lập vào năm 1949 bởi Samuel Wurtzel, Circuit City là hãng bán lẻ mở cửa hàng bán lẻ TV đầu tiên ở vùng Richmond, Mỹ.

Ngoài các cửa hàng ở Mỹ, Circuit City còn có khoảng 765 cửa hàng bán lẻ và cửa hàng của các nhà phân phối ở Canada, với tổng số nhân viên là 3.000 người. Hãng cho biết, các cửa hàng tại Canada sẽ tiếp tục hoạt động bình thường.

(Theo Bloomberg, CNN)