15:32 31/12/2008

Ngành bán lẻ Mỹ đối diện nguy cơ phá sản hàng loạt

Kiều Oanh

Các hãng bán lẻ Mỹ đang đối mặt một làn sóng đóng cửa, phá sản và bị thâu tóm hàng loạt trong thời gian tới

Trong 2 tháng cuối năm, người tiêu dùng Mỹ đã cắt giảm 20% chi tiêu vào các mặt hàng quần áo phụ nữ, hàng điện tử và đồ trang sức - Ảnh: AP.
Trong 2 tháng cuối năm, người tiêu dùng Mỹ đã cắt giảm 20% chi tiêu vào các mặt hàng quần áo phụ nữ, hàng điện tử và đồ trang sức - Ảnh: AP.
Các hãng bán lẻ Mỹ đang đối mặt một làn sóng đóng cửa, phá sản và bị thâu tóm hàng loạt trong thời gian tới, do doanh số mùa mua sắm cuối năm sụt giảm với tốc độ mạnh nhất trong vòng gần 4 thập kỷ qua.

Theo ước tính của Hội đồng Quốc tế Các trung tâm mua sắm (ICSC), các nhà bán lẻ Mỹ sẽ phải đóng cửa 73.000 cửa hàng trong nửa đầu năm 2009. Theo đó, nhiều chuỗi bán lẻ hàng đầu ở nước này như AnnTaylor Stores Corp., Talbots Inc. và Sears Holding Corp. sẽ phải cho nhiều cửa hàng có doanh số kém phải ngưng hoạt động.

Năm nay, nhiều hãng bán lẻ Mỹ như Circuit City Stores Inc., Linens ‘n Things Inc., Sharper Image Corp. và Steve & Barry’s LLC đã nộp đơn xin phá sản do thị trường tín dụng đóng băng và tình hình suy thoái kinh tế khiến doanh số của họ sụt giảm nghiêm trọng.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ, nhưng theo số liệu của Hội đồng Quốc tế Các trung tâm mua sắm (ICSC), trong tháng 11-12/2008 này, doanh số tại các cửa hiệu bán lẻ đã hoạt động ít nhất 1 năm tại Mỹ đã giảm khoảng 2%, cao hơn mức dự báo trước đó là 1%. Đây là mức sụt giảm doanh số bán lẻ ở Mỹ mạnh nhất từ năm 1969 tới nay.

Còn theo hãng nghiên cứu thị trường SpendingPulse, chi tiêu của người Mỹ đã giảm 4% trong 2 tháng cuối năm, bất chấp mức giảm giá lên tới 70% hoặc hơn tại nhiều cửa hiệu của các hãng bán lẻ lớn như Macy’s Inc. và AnnTaylor Stores Inc. Trong 2 tháng cuối năm, người tiêu dùng Mỹ đã cắt giảm 20% chi tiêu vào các mặt hàng quần áo phụ nữ, hàng điện tử và đồ trang sức.

Ông Gilbert Harrison, CEO của công ty tư vấn bán lẻ Financo cho rằng, doanh số bán lẻ mùa nghỉ lễ năm nay là một bằng chứng cho thấy, số vụ sáp nhập và số đơn xin phá sản trong lĩnh vực này ở Mỹ sẽ tăng trong thời gian tới. Ông Ken Perkins, Chủ tịch công ty tư vấn Retail Metrics ở bang Massachusetts, thì dự báo, lợi nhuận của các hãng bán lẻ Mỹ sẽ giảm bình quân 19% trong quý 4 này, đánh dấu quý giảm thứ 7 liên tiếp.

Theo ICSC, trong năm nay, số vụ đóng cửa các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ có thể đạt mức 148.000 cửa hàng, cao thứ nhì trong lịch sử ngành bán lẻ Mỹ, sau thời kỳ suy thoái 2001 - năm  có 151.000 cửa hàng buộc phải ngừng hoạt động. Như vậy, số điểm bán lẻ ở Mỹ có thể giảm 3% trong năm nay từ mức 4,9 triệu điểm bao gồm cả các điểm mới mở trong năm. Vào năm 2002, nước Mỹ mới chỉ có có tổng số 1,11 triệu cửa hàng bán lẻ.

Theo kinh tế gia trưởng Michael Niemira của ICSC, sẽ có thêm khoảng 73.000 điểm bán lẻ bị đóng cửa trong nửa đầu năm 2009.

Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, nền kinh tế nước này trong quý 3 tăng trưởng âm 0,5% so với cùng kỳ - mức sụt giảm mạnh nhất từ năm 2001 tới nay. Nhà phân tích Patti Freeman Evans của công ty nghiên cứu thị trường Jupiter Research  tại New York nói: “Ngành bán lẻ nói chung sẽ trải qua một thời kỳ rất khó khăn. Giai đoạn này sẽ kéo dài vì tình hình kinh tế không thể khắc phục nhanh được”.

Trong bức tranh tối của thị trường bán lẻ Mỹ năm nay, vẫn nổi lên một điểm sáng là hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart. Do tập trung vào những mặt hàng bình dân, các cửa hiệu Wal-Mart vẫn hút khách trong thời gian suy thoái. Cổ phiếu của hãng bán lẻ này tăng giá gần 20% trong năm nay.

Các nhà phân tích cho rằng, các hãng bán lẻ Mỹ lúc này phải học cách thích nghi với các hình thức giảm giá. “Người tiêu dùng đang quen với việc được giảm giá và trong thời gian tới, sẽ rất khó để các nhà bán lẻ trở lại với việc bán hàng ở giá bình thường”.

Nhiều người lại tin rằng, việc phá sản một số hãng bán lẻ sẽ đem đến cho ngành này một tương lai tốt đẹp hơn.

Ông Burt Flickinger, Giám đốc điều hành công ty tư vấn bán lẻ Strategic Resource Group có trụ sở tại New York cho rằng: “Vào những năm 1990, nước Mỹ đã có diện tích bán lẻ nhiều gấp đôi so với nhu cầu thực tế của thị trường. Năm nay, diện tích bán lẻ ở Mỹ vẫn nhiều gấp rưỡi so với nhu cầu. Nhờ các vụ phá sản, diện tích bán lẻ sẽ giảm về mức cần thiết thực tế”.

(Theo Bloomberg)