09:40 03/05/2012

Hàng bình ổn giá vào khu công nghiệp: Vì sao “ì ạch”?

Dũng Hiếu

sau Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, việc mở các quầy hàng bình ổn giá tại 7 khu công nghiệp còn lạ có lúc rơi vào bế tắc

Nhằm giúp hàng vạn công nhân có thu nhập thấp tiếp cận được những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo tổ chức bán hàng bình ổn giá tại các khu công nghiệp.

Dù hiệu quả của chương trình được ghi nhận nhưng việc mở thêm điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu công nghiệp còn lại vẫn đang rất chậm.

Với hạ tầng cơ sở khá đồng bộ và thuận lợi, 6 quầy bình ổn giá đã hình thành tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Công nhân ở đây được tiếp cận những mặt hàng có chất lượng, thụ hưởng các ưu đãi về giá.

Theo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, mức doanh thu có thể đạt tới 80 triệu đồng/ngày/cửa hàng sẽ cao gấp 4 lần so với doanh thu của các chuyến bán hàng lưu động. Điều này cho thấy, việc đưa hàng bình ổn giá vào các khu công nghiệp là chủ trương đúng và cần thiết.

Tuy nhiên, sau Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, việc mở các quầy hàng bình ổn giá tại 7 khu công nghiệp còn lại, trong đó có các khu công nghiệp lớn như Nội Bài (Sóc Sơn), Sài Đồng (Long Biên), Phú Nghĩa (Chương Mỹ), Phú Thị (Gia Lâm)... đang rất ì ạch, có lúc rơi vào bế tắc.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay: “Sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Công Thương cũng có văn bản gửi các quận, huyện, chủ đầu tư các khu công nghiệp và chế xuất mong muốn có sự phối hợp để bố trí điểm bán hàng. Thế nhưng, cả tháng trôi qua, ngoài Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, chúng tôi chưa nhận được hồi âm nào của các chủ đầu tư”.

Bà Mai thừa nhận, nguồn hàng, nhân lực, vật lực đã sẵn sàng nhưng cái khó nhất là tìm kiếm địa điểm bán hàng. Các khu công nghiệp còn lại đều cách xa khu nhà ở công nhân, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ nên nếu chủ đầu tư khu công nghiệp hoặc các quận, huyện không hợp tác thì đành chịu.

Hơn nữa, muốn mang hàng đến cho công nhân phải có điểm bán hàng cố định, có cả mặt hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh; rau củ quả... nên không thể bày bán trên bãi cỏ hoặc ngoài đường.

Mặt khác, do phải phục vụ sau giờ làm việc nên buộc phải tính đến giải pháp lập gian hàng để đảm bảo sức khỏe cho người bán, tiền bạc và hàng hóa cho doanh nghiệp cung ứng.

Bà Mai cũng cam kết, chủ đầu tư khu công nghiệp chỉ cần bố trí được điểm bán hàng, Sở Công Thương sẽ cung cấp đầy đủ các mặt hàng có chất lượng và sẵn sàng phục vụ công nhân theo yêu cầu của các chủ đầu tư, doanh nghiệp, kể cả bán hàng đến 20 giờ. Song, cho đến nay, đây mới chỉ là mong muốn của Sở Công Thương...

Đưa hàng về nông thôn và vào khu công nghiệp là một trong những mục tiêu mà Hà Nội đặt ra từ những ngày đầu triển khai chương trình bình ổn giá. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, công việc này là cần thiết nhưng không đơn giản do hệ thống bán lẻ tại khu vực còn kém.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp của một số khu công nghiệp lớn cho rằng, Sở Công Thương với tư cách là cơ quan thường trực triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá nên có những động thái tích cực và quyết liệt hơn. Thay vì ngồi chờ hồi âm, Sở nên chủ động đặt lịch, làm việc trực tiếp với các quận, huyện, chủ đầu tư khu công nghiệp. Đơn vị gặp khó khăn, có thể báo cáo thành phố để có biện pháp tháo gỡ.

Đối với trường hợp thoái thác, cố tình không hợp tác, UBND thành phố cũng cần có các biện pháp xử lý. Nếu để tình trạng Sở chờ khu công nghiệp, khu công nghiệp “phớt lờ” Sở như hiện nay thì những công nhân lao động sẽ thiệt thòi bởi hàng bình ổn giá chưa tìm được trúng đối tượng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong khi chờ đợi có thêm những gian hàng mới thì vẫn nên duy trì các chuyến hàng lưu động. Ngoài ra, cũng cần linh hoạt trong việc tìm kiếm các nguồn hàng giá rẻ, phù hợp với thu nhập sẽ được người lao động ủng hộ. Chương trình có ý nghĩa, thiết thực hơn nhiều so với những mặt hàng chỉ dành cho những người có thu nhập tại các quận nội thành hoặc có giá bán cao hơn với giá thị trường như đã từng xảy ra.