11:26 17/08/2009

Hàng “made in Vietnam” sẽ chiếm ưu thế?

Phong Lan

Ở một số siêu thị, sản phẩm sản xuất trong nước thường chiếm hơn 70%

Thực phẩm tươi sống trong nước được bày bán nhiều hơn ở siêu thị - Ảnh: Việt Tuấn.
Thực phẩm tươi sống trong nước được bày bán nhiều hơn ở siêu thị - Ảnh: Việt Tuấn.
Mặc dù đầu tháng 8 vừa qua thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa tăng 14%, song là một nhà sản xuất trong nước, Công ty Hancofood  từ đầu năm đến nay chưa hề tăng giá lần nào.

Hancofood cũng đã lên kế hoạch hợp tác với các trường mầm non ở Tp.HCM giảm giá trực tiếp 30% trên bảng giá chính thức cho các trường, nhóm trẻ khu vực ngoại thành sử dụng sữa và các sản phẩm dinh dưỡng của Hancofood. Đây là doanh nghiệp có nhiều sáng tạo trong việc khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Nhiều thay đổi đáng kể

Trong vài năm gần đây, các doanh nghiệp trong nước đã không ngừng nỗ lực cải tiến chất lượng, đa dạng hoá mặt hàng, hạ giá thành, mở rộng mạng lưới phân phối, gia tăng các hoạt động khuyến mãi... Từ đó cung ứng cho người tiêu dùng những sản phẩm ngày càng có chất lượng cao hơn, mẫu mã phong phú.

Không ít doanh nghiệp đạt các danh hiệu tiêu chuẩn chất lượng ISO, tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia, quốc tế... Những nỗ lực đó đã được người tiêu dùng ghi nhận qua việc tin tưởng chọn mua hàng trong nước, từng bước thay thế các mặt hàng ngoại nhập.

So với cách đây 3 năm thì hàng Việt đã có nhiều thay đổi đáng kể về mẫu mã, số lượng và doanh số đều tăng hơn 30% trở lên. Tại siêu thị MaxiMark Cộng Hòa các sản phẩm sản xuất trong nước bao giờ cũng chiếm hơn 70%.

Hiện nay ở một số ngành, sản phẩm Việt đã có ưu thế nhất định như ngành thực phẩm chế biến. Trước đây, một số mặt hàng chỉ bán tại chợ như cua xay nay đã có tại siêu thị với bao bì ép chân không an toàn vệ sinh và rất được người tiêu dùng lựa chọn. Qua khảo sát gần đây nhất của chợ đầu mối lớn, cùng các siêu thị trong chuỗi Co.opMart, BigC, MaxiMark, CitiMart... cho thấy, các mặt hàng thịt heo, bò thực phẩm chế biến Vissan ngày càng được khách hàng ưa chuộng.

Tại chợ Bình Tây (quận 6) có lượng hàng nhập khẩu lớn nhất hiện nay, nhưng nhóm thực phẩm tươi sống, thủ công mỹ nghệ thì hầu như 100% là hàng trong nước. Nhóm lương thực thực phẩm chế biến và thực phẩm công nghệ hơn 80%; nhóm vải sợi và quần áo may sẵn, giày dép, bánh kẹo 50%; riêng nhóm đồ gia dụng, nhôm, nhựa, sành sứ chiếm 70%-80%.

Là một trong những siêu thị được xem là có lượng hàng ngoại nhập chiếm nhiều nhất so với những siêu thị khác, tại siêu thị MaxiMark trên đường 3-2 (quận 10) hàng trong nước vẫn chiếm ưu thế, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến. Trong dãy hàng bánh kẹo, mặc dù gần đây có sự lấn sân của rất nhiều sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan, Singapore, Malaysia, nhưng nhìn chung hàng trong nước với các thương hiệu như Kinh Đô, Bibica, URC, Phạm Nguyên... vẫn chiếm hơn 50%.

Bà Nguyễn Đình Liên Chi, Giám đốc đối ngoại của Công ty L’oreal Việt Nam cho rằng: “Tôi từng học tập và làm việc ở Thái Lan, Mỹ và Singapore, nên tôi thường có thói quen chọn hàng ngoại, nhất là quần áo.

Tuy nhiên gần đây, thói quen này của tôi có thay đổi chút ít. ở Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng hiện nay cũng có khá nhiều nhãn hàng thời trang đã bắt kịp với xu hướng thời trang thế giới về mẫu mã và màu sắc nhưng giá chỉ bằng 1/2 hàng ngoại nhập. Tôi tin rằng trong thời gian tới hàng Việt mà nhất là nhóm hàng quần áo và giày dép sẽ ngày càng có nhiều mẫu thiết kế lạ mắt, đa dạng hơn. Lúc đó ưu tiên số 1 của tôi khi mua sắm sẽ là hàng Việt”.

Siết chặt “hàng rào” đối với hàng nhập

Điều đáng nói là có khá nhiều sản phẩm trong nước mặc dù chất lượng và mẫu mã không thua gì hàng ngoại, giá lại thấp hơn đến 60%, nhưng vẫn bán chậm hơn sản phẩm cùng loại ngoại nhập.

Có nhiều nguyên nhân khiến người tiêu dùng ưa hàng ngoại. Trước hết là do thời gian dài thị trường nội địa bị các DN trong nước bỏ trống, thêm vào đó việc bãi bỏ thuế nhập khẩu vào đầu năm 2009 khiến hàng hóa từ các nước trong khu vực ASEAN tràn sang. Thứ hai là do tâm lý “sính” hàng ngoại, và sản phẩm nội địa mẫu mã đơn điệu, chất lượng sản phẩm không ổn định, chính sách hậu mãi không rõ ràng. Thứ ba là Nhà nước vẫn còn thiếu những công cụ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng.

Là một nhà sản xuất, ông Phạm Ngọc Châu, Giám đốc Công ty Hancofood, cho rằng: “Để chiếm lĩnh thị trường nội địa, các doanh nghiệp trong nước nên xây dựng tiêu chí chất lượng sản phẩm rõ rằng; thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Bản thân các doanh nghiệp trong nước cần thay đổi mạnh mẽ từ tư duy kinh doanh, chính sách bán hàng, kế hoạch quảng bá, tiêu chí chất lượng cho đến việc thu hút nguồn nhân lực nhằm tạo ra những sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn về “gỗ” cũng như “nước sơn”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên tăng cường liên kết, hợp tác, cùng chia thị phần và thậm chí nên thành lập hiệp hội để cạnh tranh với hàng nhập khẩu”.

Ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, cần có sự kết hợp cả ba nhà, gồm Nhà nước- doanh nghiệp - người tiêu dùng. Trong đó Nhà nước cần có những chính sách và biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt hàng ngoại nhập, nhất là thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao, tăng cường kiểm soát các hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị.

Các doanh nghiệp cần phải tạo dựng phương châm kinh doanh đúng đắn. Doanh nghiệp cùng các cơ quan quản lý phải cộng tác chặt chẽ với nhau trong việc chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nêu gương trong việc sử dụng và ủng hộ hàng nội...