Hành trình 10 năm phát triển của TPBank
Với nỗ lực trong công tác tự tái cơ cấu, TPBank và cá nhân ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen
Ra đời đúng thời điểm nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng tài chính, tiếp đó là cuộc "đại phẫu" về cơ cấu cổ đông trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ít ai hình dung Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) có thể chuyển mình để 10 năm sau có được một viễn cảnh như hiện nay.
Đổi chủ và những thay đổi
Năm 2007, nền kinh tế thế giới bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy không trực tiếp chịu thiệt hại nhưng nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng cũng chịu những tác động tiêu cực nhất định. Rõ nét nhất là giai đoạn những năm 2010, qua rà soát và phân loại của Ngân hàng Nhà nước, đã xuất hiện một danh sách dài các ngân hàng yếu kém, trong đó có TPBank (khi đó có tên là Tienphong Bank).
Trước bối cảnh lợi nhuận sụt giảm liên tục, tỷ lệ nợ xấu trên 6%, bộ máy hoạt động kém hiệu quả, gặp khó khăn về thanh khoản, Tổng giám đốc cũ vướng vào vòng lao lý…, TPBank đã quyết định chọn hướng tự nguyện tái cơ cấu. Với kế hoạch tái cơ cấu đúng đắn và mang tính khả thi cao, TPBank là một trong số ít ngân hàng có phương án tự tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thông qua.
Bắt tay vào tái cơ cấu đầu năm 2012, nhờ dám "nói thật" về tình hình hiện tại của mình, đồng thời có chiến lược phát triển khả thi, TienPhong Bank đã "gọi vốn" thành công từ cổ đông mới là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI và các cổ đông cá nhân khác.
Để đảm bảo một tổ chức tín dụng tự tái cơ cấu thành công, bên cạnh việc có được một phương án tái cơ cấu khả thi, cần hội tụ đủ 3 yếu tố thực. Một là dòng tiền thực, hay vốn bằng tiền mặt được bơm vào ngân hàng.
Thứ hai là cơ cấu sở hữu cổ đông và quản lý thực, không bị lợi ích nhóm của bất cứ cổ đông nào điều khiển và chi phối.
Thứ ba là Ban điều hành có năng lực thực, tâm huyết và dày dạn kinh nghiệm.
Dù không dễ dàng để cùng lúc có được cả 3 yếu tố này vào thời điểm đó nhưng với TPBank, có thể nói ngân hàng này đã "may mắn" có được sự hội tụ trên, đặc biệt là tìm được những nhà đầu tư, cổ đông có dòng tiền thực bơm vào ngân hàng.
Với những nỗ lực, đến tháng 6/2015, tức chỉ trong hơn 3 năm từ khi triển khai tái cơ cấu, TPBank bù đắp được toàn bộ lỗ lũy kế với hơn 1.670 tỷ đồng và bắt đầu có lợi nhuận. Riêng năm 2017, TPBank đạt 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tính đến cuối tháng 8/2018, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.400 tỷ đồng.
Cơ hội cho nhà đầu tư
Với nỗ lực trong công tác tự tái cơ cấu, TPBank và cá nhân ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Trở thành ngân hàng số hàng đầu Việt Nam là mục tiêu quan trọng mà TPBank đặt ra trong chiến lược phát triển của mình. Trong đó, một trong những sản phẩm nổi bật riêng có và gắn liền với thương hiệu TPBank là mô hình ngân hàng tự động 24/7 TPBank LiveBank.
Ngoài việc có thể thực hiện gần như đầy đủ các giao dịch tại một chi nhánh truyền thống, mới đây, nhà băng này đã bổ sung thêm tính năng phát hành thẻ ATM tại LiveBank, khách hàng có thể nhận thẻ sau 5 phút. Sau gần 1,5 năm triển khai, TPBank đã có trên 80 LiveBank trên toàn quốc với gần 740.000 lượt giao dịch thành công, phục vụ khoảng 243.000 khách hàng.
Sau những thành quả trong tái cơ cấu và phát triển, TPBank một lần nữa ghi nhận dấu ấn khi niêm yết thành công 555 triệu cổ phiếu của TPBank (mã TPB) trên sàn chứng khoán Hose vào tháng 4/2018, tương ứng giá trị vốn hóa khi chào sàn đạt gần 17.760 tỷ đồng.
Sự phát triển và thành công của TPBank trong thời gian qua không chỉ được ghi nhận ở trong nước mà từ cả các tổ chức và đối tác nước ngoài. Minh chứng là lần đầu tiên, TPBank được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's xếp hạng B2.
Không chỉ dừng ở những đánh giá, xếp hạng tích cực mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm, tìm hiểu và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vào TPBank. Cụ thể vào năm 2016, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm World Bank đã chi gần 19 triệu USD để sở hữu 4,99% cổ phần của TPBank.
Cuối năm 2017, PYN Elite Fund cũng chi gần 40 triệu USD để sở hữu 4,99% cổ phần của NH này (tức chỉ sau hơn 1 năm, PYN Elite Fund đã phải bỏ ra số tiền gần gấp đôi so với IFC để sở hữu tỷ lệ cổ phần tương tự).
Đó là chưa kể trong đợt chào bán riêng lẻ hơn 87,6 triệu cổ phiếu của TPBank với giá bán bình quân 25.,000 đồng/cổ phiếu mới đây, PYN Elite Fund đã mạnh tay gom tiếp hơn 33,5 triệu cổ phiếucủa TPBank.
Với rất nhiều người, giờ đây hình ảnh một TPBank với tên thương hiệu màu tím, logo tam giác màu cam tươi mới và tuyên ngôn thương hiệu "Vì chúng tôi hiểu bạn" đã trở nên quen thuộc.
Còn với những người hiểu biết sâu hơn về những biến chuyển của hệ thống ngân hàng, TPBank thực sự là một ngân hàng đã "thay da, đổi thịt" trong những năm qua.