Hậu dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được giải quyết thế nào?
Sau khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều vấn đề đã được giải quyết, trong đó có thanh toán và thanh lý các hợp đồng tư vấn với các đơn vị tư vấn của Nga.
Sau khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều vấn đề đã được giải quyết, trong đó có thanh toán và thanh lý các hợp đồng tư vấn với các đơn vị tư vấn của Liên bang Nga.
Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.
Điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đã được Quốc hội quyết định dừng vào cuối năm 2016, sau 7 năm thông qua chủ trương đầu tư.
Lý do dừng thực hiện dự án là do điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ khoa học - công nghệ của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp để phát triển điện hạt nhân.
Thừa uỷ quyền Thủ tướng ký báo cáo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, "về cơ bản, phía Nga và Nhật Bản thông cảm với phía Việt Nam, lấy làm tiếc về việc dừng dự án, mong muốn giải quyết ổn thỏa các vấn đề liên quan thông qua thương lượng và tiếp tục hợp tác trong giai đoạn tiếp theo".
Với đối tác Liên bang Nga, Bộ trưởng cho biết, các chi phí của các đối tác có thể yêu cầu bồi hoàn nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân của Chính phủ Việt Nam. Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Liên Bang Nga (ROSATOM) về kế hoạch thực hiện dự án này đã được ký.
Cuối năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết giao Bộ Khoa học và Công nghệ hợp tác với ROSATOM để triển khai Dự án. Hiện tại Bộ Khoa học và Công nghệ đang làm việc với tỉnh Đồng Nai về các vấn đề liên quan đến địa điểm xây dựng dự án;
Bộ Công Thương cũng đã chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ liên quan tiến hành các thủ tục chấm dứt hiệu lực của Hiệp định Hiệp định đã ký với Liên bang Nga về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam, trong năm 2018.
Đối với đối tác Nhật Bản, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết trong thời gian qua Nhật Bản đã thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác để lập hồ sơ báo cáo dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (FS), hỗ trợ, giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân của Việt Nam. Đôi lúc Nhật Bản cũng khặp khó khăn, đặc biệt sau sự cố nhà máy điệt hạt nhân Fukushima năm 2011 tại Nhật Bản dẫn đến thời gian kéo dài, tăng chi phí cho khảo sát bổ sung. Tuy nhiên, đến nay các công việc đã hoàn thành, phía Nhật Bản đã nộp FS bản cuối cùng cho chủ đầu tư.
Phía Nhật Bản khẳng định sẽ không có bất cứ yêu cầu gì đối với các chi phí đã tài trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2; chấp nhận những gì đã diễn ra trong quá khứ và mong muốn hướng tới tương lai để hợp tác hai Bên tốt đẹp hơn nếu phía Việt Nam cam kết bảo lưu kết quả lập FS, bảo tồn địa điểm quy hoạch cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 để tránh lãng phí, có thể sử dụng sau này khi Việt Nam tái khởi động lại chương trình điện hạt nhân.
Theo báo cáo, ban công tác liên ngành họp lần 2 với phía Nhật Bản, sau đó hai bên đã ký biên bản ghi nhận nội dung đồng ý việc chuyển đổi mặt bằng đã được quy hoạch cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng bảo đảm thuận lợi cho việc thu hồi khi nhà nước thực hiện dự án quan trọng quốc gia.
Để đảm bảo nguồn thay thế sau khi dừng chủ trương thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ cho biết giai đoạn năm 2020 đến năm 2030 cần bổ sung khoảng 6.000 MW nhiệt điện than và LNG nhập khẩu đủ năng lực để thay thế 4.600MW dự án điện hạt nhân về sản lượng điện cho hệ thống.
Việc đầu tư các dự án nhiệt điện, than, khí và LNG nhập khẩu có thể xã hội hóa việc huy động vốn đầu tư thông qua các hình thức thực hiện dự án BOO, BOT,... nên không làm tăng nợ công cho ngân sách như trong trường hợp đầu tư điện hạt nhân, Chính phủ đánh giá.