13:15 15/01/2007

Hãy ngồi lại với nhau để làm chuyện lớn!

Làm thế nào để Việt Nam có tên trong bản đồ gia công phần mềm thế giới - lĩnh vực kinh doanh mới có thể mang về cho đất nước hàng trăm triệu USD?

"Hiện có hàng chục ngàn kỹ sư công nghệ thông tin làm các nghề không đúng với chuyên môn đào tạo."
"Hiện có hàng chục ngàn kỹ sư công nghệ thông tin làm các nghề không đúng với chuyên môn đào tạo."
Làm thế nào để Việt Nam có tên trong bản đồ gia công phần mềm thế giới - lĩnh vực  kinh doanh mới có thể mang về cho đất nước hàng trăm triệu USD?

Vấn đề này đã được ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch TMA Solutions, doanh nghiệp hàng đầu về gia công phần mềm ở Việt Nam - đề cập với báo giới. Ông nói:

- Không biết có phải tình cờ hay không, đó là sau APEC Hà Nội, rồi Việt Nam gia nhập WTO, đã có  nhiều đối tác nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm quan tâm đến Việt Nam.

Thách thức bây giờ là làm sao đáp ứng được mong đợi của khách hàng. Mà theo tôi thì thử thách trong nội bộ nhiều hơn, bởi tìm khách hàng lúc này không khó như trước mà thuyết phục được họ ở lại mới là quan trọng.

Tôi thường nói với khách hàng mặc dù gia công phần mềm là hết sức mới mẻ với Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ năm 2000 đến nay. Từ Chính phủ, doanh nghiệp, các trường đại học... trong hơn sáu năm qua đã chuẩn bị rất nhiều về đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để phát triển ngành công nghệ thông tin nói chung và ngành gia công phần mềm nói riêng.

Nói tóm lại là Việt Nam đã sẵn sàng, và bằng chứng là đã thu hút được những nhà đầu tư lớn như Intel, Nidec đến Việt Nam.

Nhưng vì sao Việt Nam vẫn chưa có tên trong bản đồ gia công phần mềm?

Lỗi do mình mà thôi, do không có quảng bá tiếp thị. Các doanh nghiệp vẫn tự làm công việc này theo cách riêng lẻ. Cần phải thường xuyên quảng bá tập trung, đừng để các doanh nghiệp cứ loay hoay một mình mãi.

Theo tôi, đã đến lúc phải tổ chức hội nghị gia công phần mềm ngay tại Việt Nam để giới thiệu cho đối tác. Ngoài ra, Chính phủ phải giảm giá thuê đường truyền Internet, muốn có các hợp đồng lớn, ngoài máy tính, nhân lực thì đường truyền phải mạnh, giá phải rẻ. Đến nay giá thuê đường truyền đã rẻ hơn trước nhưng vẫn còn đắt so với khu vực.

Khách hàng tuy không trả trực tiếp chi phí này, nhưng khi đối tác gia công của họ phải trả phí cao thì gián tiếp họ cũng phải trả tiền thuê đường truyền với giá cao.

Ông nhìn nhận tiềm năng của gia công phần mềm ở Việt Nam trong những năm tới như thế nào?

Vấn đề phụ thuộc vào nguồn nhân lực. Nếu nhìn vào số người có bằng tốt nghiệp đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì cung nhiều hơn cầu, nhưng số lượng người có thể làm được việc chỉ 15-20%. Vì vậy, phải tìm cách để tăng tỉ lệ này lên.

Trước mắt nên tổ chức trung tâm đào tạo lại, đào tạo theo đơn đặt hàng là điều có thể làm được và phải làm ngay. Hiện có hàng chục ngàn kỹ sư công nghệ thông tin làm các nghề không đúng với chuyên môn đào tạo, nếu để lâu khả năng của họ sẽ mai một. Nhiều người mất

4-5 năm lấy bằng kỹ sư công nghệ thông tin để rồi ra làm quản lý vài máy tính cho doanh nghiệp nhỏ thì phí quá.

Đào tạo nhân lực đã khó nhưng chuyện “nhảy” chỗ làm trong ngành IT diễn ra thường xuyên, đây cũng là nguyên nhân mà nhiều khách hàng Nhật, Âu, Mỹ đã rút khỏi thị trường Ấn Độ. Theo ông, Việt Nam có thể tránh được  tình trạng này?

Ở nhiều nước tình trạng này cũng diễn ra thường xuyên, chỉ mong độ trưởng thành của nhân viên ngày càng cao để họ nhận thức được ngoài đồng lương ra còn có những giá trị khác ở một công ty. Có thể trong năm đầu họ cũng chưa biết giá trị vô hình mà doanh nghiệp có thể mang lại cho họ đó là cơ hội ra nước ngoài học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ cao, cơ hội học hỏi trong các dự án...

Các nước cũng đang tìm chỗ đứng trên bản đồ gia công phần mềm thế giới, vậy theo ông, làm thế nào để Việt Nam giữ chân khách hàng?

Phải có thêm những thông tin khác có tính thuyết phục cao hơn, phải đem mình ra so sánh với người khác. Người Việt Nam cần cù, chịu khó, giá lao động Việt Nam rẻ... cũng chưa đủ sức thuyết phục. Ở Đông Âu, Trung Đông, Pakistan... khách hàng cũng có thể nghe những lời như vậy. Do vậy, thông tin đưa ra so sánh phải khách quan.

Chẳng hạn báo cáo cập nhật trong ngành của NeoIT cho biết Tp.HCM là địa chỉ hứa hẹn thứ hai cho gia công phần mềm sau Ấn Độ và hơn hẳn Manila, Thượng Hải, Moskva. Các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể ngồi lại với nhau để đảm nhiệm hợp đồng lớn.

Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) với hàng loạt công ty phần mềm đang đầu tư kinh doanh ở đây, khu công nghệ cao với uy tín nhờ đã thu hút đầu tư của Intel... cũng có thể đủ khả năng đứng ra làm cầu nối thành lập những nhóm các doanh nghiệp đủ tầm cỡ nhân lực đến 500 hoặc 1.000 lập trình viên, có trình độ ngoại ngữ để đảm nhiệm các hợp đồng này.

* Theo dự báo trong năm 2007, các công ty Âu, Mỹ và Nhật Bản sẽ phải chi tới 27 tỉ USD để gia công phần mềm trên khắp thế giới. Ấn Độ, cường quốc về gia công phần mềm, chỉ đáp ứng phân nửa nhu cầu này. Một tính toán khác về thị trường Nhật Bản cho thấy doanh số của thị trường này khoảng 140 tỉ USD/năm, chiếm 20% thị phần thế giới với giá trị nhập khẩu khoảng 3 tỉ USD. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam có được 10% của giá trị này, tức đã đạt 300 triệu USD/năm.