Hệ thống trường chuyên là điển hình về đổi mới giáo dục, có vai trò tiên phong cần học tập
Tỉ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm, năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Ngoài ra gần 1/3 số trường chuyên trên cả nước đã hợp tác với cơ sở giáo dục có uy tín trong khu vực và quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, thu hút nguồn lực...
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến của Bộ Giáo dục & Đào tạo diễn ra cuối tuần qua đã tổ chức đã ghi nhận nhiều câu chuyện.
PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ VỀ QUY MÔ
Báo cáo về công tác triển khai Quyết định số 959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: giai đoạn 2010-2020, hệ thống trường chuyên đã được củng cố và phát triển.
Cụ thể từ 68 trường chuyên năm 2010 đến năm 2020 tăng lên thành 77 trường, đảm bảo mỗi tỉnh, thành có ít nhất một trường chuyên, có nơi có 2 trường chuyên phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương. Quy mô số lượng học sinh cũng tăng lên, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc.
Đặc biệt, các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia từ 21 trường năm 2010 lên 60 trường chuẩn năm 2020 với chất lượng giáo dục cao. Cả nước có 15 trường chuyên trọng điểm quốc gia phát triển, trở thành hình mẫu của các vùng.
Hiện nay, nhiều tỉnh còn có quy định về chính sách đặc thù để thu hút giáo viên về dạy trường chuyên vừa đảm bảo yêu cầu số lượng, hợp lý về cơ cấu lại vừa đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp. Đồng thời liên tục tăng cường đầu tư kinh phí cho việc bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, các nhà trường đã có sự chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường và tạo ra được một môi trường học tập năng động, sáng tạo cho cả học sinh, giáo viên cũng như cán bộ quản lý. Từ đó chất lượng giáo dục nâng cao rõ rệt.
Biểu hiện rõ nhất là tỉ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trên cả nước tăng dần qua các năm, năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010 là cơ sở để phát triển giáo dục mũi nhọn. Đặc biệt những năm gần đây, số lượng và chất lượng giải quốc tế của học sinh Việt Nam có sự chuyển biến tích cực. Năm 2020, 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt giải. Trong đó có 9 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 bằng khen.
Ngoài ra sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường chuyên với việc đào tạo ở đại học cũng có bước phát triển tích cực. Học sinh có năng khiếu nổi bật được vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học chất lượng cao trong nước và các trường đại học có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục phát triển năng khiếu.
Về hợp tác quốc tế, gần 1/3 số trường chuyên trên cả nước đã hợp tác với cơ sở giáo dục có uy tín trong khu vực và quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, thu hút nguồn lực vào phát triển hệ thống các trường chuyên. Việc liên kết quốc tế trong giảng dạy ngoại ngữ tại các trường chuyên từng bước được đẩy mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, chất lượng giáo dục của các trường chuyên đã phần nào trở thành những điển hình về đổi mới giáo dục, có vai trò tiên phong cho các trường THPT khác học tập.
TIẾP TỤC XÂY DỰNG TRÊN NỀN TẢNG HIỆN CÓ
Trong giai đoạn tới, hệ thống trường chuyên cần tiếp tục phát huy những thành quả hiện có để đảm bảo các mục tiêu. Theo đó phải tăng cường cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, hoàn thiện, bổ sung các thiết bị dạy học hiện đại, trang bị các nguồn học liệu mở đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình chuyên sâu; Tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đồng thời đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của trường chuyên phù hợp với xu thế thời đại mới và xây dựng Khung chương trình nâng cao cho các trường chuyên trên cơ sở phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với điều kiện và mục tiêu của từng trường chuyên nhằm thực hiện giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của từng học sinh.
Hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh nhằm thu hút xã hội hóa, tăng cường liên thông giữa giáo dục chuyên sâu và Đại học, tăng cường hợp tác quốc tế.
Ngoài ra để hệ thống trường chuyên phát huy được hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, Bộ Giáo dục & Đào tạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2022-2032” nhằm tiếp tục đổi mới xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, đặt trên nền tảng của các trường chuyên hiện có.
Mặt khác chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lồng ghép thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển hệ thống trường chuyên nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế-xã hội của Bộ, ngành, địa phương hàng năm và trong từng giai đoạn.
Các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án mới, xây dựng các nội dung Đề án mới thành kế hoạch thực hiện chi tiết để chỉ đạo các tổ chức thực hiện và tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, cơ chế; phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra việc chi kinh phí thực hiện Đề án theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện việc ban hành các chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trường trung học phổ thông.
Các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những thành tựu đạt được của hệ thống trường chuyên nhằm tăng cường nhận thức đúng đắn về mục tiêu giáo dục của trường chuyên đào tạo tinh hoa cho đất nước. Đồng thời, quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường chuyên phù hợp, cân nhắc việc xây dựng 2 trường chuyên tại các thành phố lớn, tập trung phát triển 1 trường chuyên tại các tỉnh, bên cạnh đó có thể xây dựng hệ thống trường chất lượng cao.