“Hồ dữ liệu”: Động lực mới cho “guồng quay” số hóa của ngân hàng
Ngay ở lần xuất hiện đầu tiên trước báo giới trên cương vị Tổng Giám đốc Techcombank hồi tháng 4/2021, ông Jens Lottner đã nhấn mạnh đến khái niệm “Hồ dữ liệu”…
TS. Lottner là chuyên gia về công nghệ ngân hàng và chuyển đổi số. Trước khi đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Techcombank, ông đã là Giám đốc Tài chính, Giám đốc Chiến lược, Giám đốc Chuyển đổi và Giám đốc Dữ liệu tại Ngân hàng Thương mại Siam (Thái Lan). Trước đó, ông có nhiều năm gắn bó với McKinsey - tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới mà nhiều ngân hàng Việt đã và đang hợp tác trong chiến lược chuyển đổi hoạt động những năm qua.
Tại buổi họp báo nói trên, cũng như trong lần tiếp xúc nhà đầu tư sau đó, một trụ cột được ông Jens Lottner liên tục nhấn mạnh để giúp Techcombank bứt phá thành công trong chiến lược 2021-2025 là “Dữ liệu”, cùng với hai chân kiềng “Số hóa - Nhân tài”.
“ĐIỀU KHÔNG TƯỞNG” VÀ ƯU THẾ MỚI
Kết thúc năm 2021, nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam tiếp tục cho thấy sức bứt phá mạnh mẽ ở nhiều chỉ tiêu. Trong đó, một kỷ lục, mà theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại một hội thảo cuối tháng 2/2022, là “điều không tưởng” cách đây chục năm. Đó là tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn năm 2021 tại một số ngân hàng thương mại (CASA) đã vượt các mốc rất cao, hơn 40%, trong đó quán quân vẫn là cái tên quen thuộc Techcombank, lên tới 50,5%.
Một cấu thành của kỷ lục đó, lượng khách hàng tiếp tục gia tăng nhanh chóng, quy mô giao dịch không ngừng bùng nổ. Hơn 9,6 triệu khách hàng thường xuyên giao dịch tại Techcombank, ứng với hơn 652 triệu giao dịch trực tuyến năm qua, trong khi hai năm về trước mới chỉ gần 120 triệu giao dịch.
Nhìn lại một quá trình, tăng trưởng quy mô giao dịch nói trên tại Techcombank từng liên tiếp đạt từ 100-150% trong nhiều quý liên tiếp. Đáp ứng, gắn kết và mở rộng được quy mô khách hàng, quy mô giao dịch bùng nổ như vậy dĩ nhiên đòi hỏi một hạ tầng công nghệ mạnh, và quan trọng hơn ở sự hài lòng của khách hàng trong trải nghiệm.
Trong báo cáo chuyên biệt về lĩnh vực ngân hàng phát hành đầu năm nay, công ty chứng khoán VCBS đưa ra nhận định: “Công nghệ yêu cầu lượng dữ liệu đầu vào lớn. Việc nắm được dữ liệu giúp một số ngân hàng đi trước về số hóa, cũng như ở các hoạt động tăng trưởng tín dụng, thu hút khách hàng,...”.
Cũng theo VCBS, giai đoạn 2020-2025, chuyển đổi số, ngân hàng số, hệ sinh thái là những mục tiêu đang được nhiều ngân hàng theo đuổi. Theo công ty này, thành công bước đầu đã đến với những ngân hàng đang đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng, nhờ nắm giữ được nhiều dữ liệu.
Với những nhận định trên, khái niệm “Hồ dữ liệu” có thể còn mới mẻ về cách gọi tại Việt Nam, nhưng đã được Techcombank hiện thực hóa rõ ràng trong hai năm qua, như Tổng giám đốc Jens Lottner từng cam kết
BÍ QUYẾT: DỮ LIỆU, DỮ LIỆU VÀ DỮ LIỆU
Yêu cầu về xây dựng dữ liệu lớn (big data) đã đặt ra trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Nhưng không hẳn ngân hàng thương mại nào cũng có thể sớm xây dựng, thực sự chủ động đáp ứng được yêu cầu này, biến thành lợi thế để thành công.
Tại cuộc đối thoại với nhà đầu tư đầu năm nay, ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng giám đốc Techcombank, chia sẻ: hoạt động ngân hàng như một guồng quay của những bánh xe lớn. Khi những bánh xe đã quay, bắt đầu tăng tốc thì hiệu ứng và kết quả cộng hưởng sẽ lớn hơn. Đó là một quá trình với một con đường khó khăn, trong đó, hồ dữ liệu là một “bánh xe” lớn và đòi hỏi lớn.
“Một guồng máy như vậy cần rất nhiều thời gian, cần rất nhiều vốn. Nói nôm na là cần rất nhiều tiền và cũng cần rất nhiều quyết tâm, và nó rất khó để bắt chước”, ông Hưng nói.
Nhìn lại cả một quá trình, từ giai đoạn 2000-2001, khi Techcombank “dám” chi tới tương đương 20% vốn điều lệ để trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam sở hữu hệ thống ngân hàng lõi core banking của Temenos (Thụy Sĩ). Tầm nhìn và chiến lược này lý giải vì sao ngân hàng này nhanh chóng trở thành số 1 trên thị trường về phát triển các tiện ích sản phẩm dịch vụ.
Hay đến nay, khi hầu hết các ngân hàng thương mại đều nêu cao khẩu hiệu “đặt/lấy khách hàng làm trọng tâm” thì Techcombank đã xác định chiến lược này xuyên suốt từ cả chục năm trước.
ĐỘNG LỰC ĐẨY “GUỒNG QUAY” SỐ HÓA
“Guồng quay” hợp lý tạo ra giá trị. Giá trị tạo ra tiềm lực để đẩy “bánh xe” lớn quay nhanh hơn. Phó Tổng giám đốc Techcombank Phùng Quang Hưng nhấn mạnh rằng, cả một quá trình thành công và tích lũy đã tạo nên nền tảng tài chính vững mạnh, cho phép ngân hàng tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào con người, công nghệ và số hóa. Từ đó, tiếp tục chuyển đổi, tạo ra giá trị, giải pháp mới ngày càng đa dạng hơn và phù hợp hơn với khách hàng.
Tiềm lực tài chính cũng lý giải vì sao không hẳn ngân hàng thương mại nào cũng có thể sớm tạo được vị thế và ưu thế trong phát triển dữ liệu lớn hay hồ dữ liệu như Techcombank đang làm. Ngân hàng này đang có vốn chủ sở hữu lên tới hơn 93.000 tỷ đồng, một tiềm lực mạnh để nới rộng giới hạn theo các quy định hiện hành trong đầu tư cho hạ tầng (bao gồm công nghệ và dữ liệu).
Trong năm 2021, Techcombank đã chiêu mộ thêm khoảng 1.000 nhân sự, gồm nhiều kỹ sư và chuyên gia để thiết kế và triển khai hành trình số hóa, gồm dự án hồ dữ liệu. Và đến cuối năm 2021, nền tảng của một hồ dữ liệu mới đã được ngân hàng này đưa vào ứng dụng, cũng như hoàn tất việc đánh giá toàn diện và xây dựng kế hoạch để đưa các ứng dụng và cơ sở hạ tầng lên đám mây (cloud).
Một lần nữa Techcombank lại đi trước một bước, tạo ưu thế về Hồ Dữ liệu mà không ngại bị sao chép mô hình thành công.
Cũng theo Phó Tổng giám đốc Techcombank Phùng Quang Hưng, giá trị của “hồ dữ liệu” đó là một năng lực mới cho “guồng quay” tăng trưởng. “Hồ dữ liệu” giúp ngân hàng đẩy mạnh năng lực phân tích dữ liệu, từ đó giúp hiểu rõ chân dung và nhu cầu khách hàng, cá nhân hóa các đề xuất giá trị và trải nghiệm khách hàng…
“Hồ dữ liệu” và năng lực phân tích giúp ngân hàng giảm thiểu các quy trình vận hành, tối ưu hóa tốc độ/chi phí trong cung cấp dịch vụ và quản lý. Điển hình như tín dụng tự động, số hóa quy trình cho vay mà Techcombank đã triển khai và đang mở rộng.
Hay trong quản trị sử dụng vốn, một trong những điểm mạnh của “Hồ dữ liệu” là giúp ngân hàng tăng khả năng dự báo các phần tăng trưởng cho vay hằng tuần, hằng tháng để khớp với phần huy động nguồn vốn, qua đó đảm bảo duy trì tỷ lệ dư thừa vốn đến mức tối thiểu, tối ưu hóa nguồn vốn và qua đó nâng cao được hiệu quả lãi biên (NIM) - một trong những áp lực đang đặt ra cho các ngân hàng thương mại trong năm 2022.