15:20 25/07/2025

Chuyên gia cảnh báo tín dụng tăng nhanh nhưng bộ đệm dự phòng quá mỏng

Phương Linh

Các chuyên gia cho rằng nếu gỡ bỏ "room" tín dụng, trong bối cảnh tín dụng tăng nóng, bộ đệm mỏng nhưng chưa bổ sung và gia cố hàng rào kiểm soát rủi ro sẽ để lại nhiều hậu quả tiêu cực cho cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế...

Gỡ bỏ room tín dụng khi chưa có các hàng rào kiểm soát rủi ro thay thế hoặc bổ sung có thể tạo ra cuộc đua lãi suất ở các ngân hàng quy mô nhỏ
Gỡ bỏ room tín dụng khi chưa có các hàng rào kiểm soát rủi ro thay thế hoặc bổ sung có thể tạo ra cuộc đua lãi suất ở các ngân hàng quy mô nhỏ

Trao đổi với phóng viên VnEconomy bên lề tọa đàm: "Cơ chế kiểm soát tín dụng: Thay thế hạn mức bằng bộ tiêu chí an toàn" diễn ra vào lúc 14h ngày 25/7 tại Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, cho biết mới đây, một số chuyên gia từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo việc gỡ bỏ trần tín dụng có thể tác động tiêu cực đến đánh giá tín nhiệm của ngành ngân hàng Việt Nam.

MỐI LO TỪ BỘ ĐỆM DỰ PHÒNG TÀI CHÍNH

Theo Chủ tịch FiinGroup, mối lo ngại này chủ yếu đến từ rủi ro tăng trưởng tín dụng quá nhanh trong bối cảnh bộ đệm vốn của các ngân hàng nội địa vẫn còn mỏng. Đặc biệt, nếu việc dỡ bỏ trần tín dụng diễn ra đột ngột khi chưa có các công cụ kiểm soát rủi ro thay thế hoặc bổ sung kịp thời, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả xếp hạng tín nhiệm của ngành.

 
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup
"Việc gỡ bỏ trần tín dụng mà không đi kèm các biện pháp kiểm soát rủi ro thay thế có thể dẫn đến tình trạng các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng quy mô nhỏ, chạy đua lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao".

Viễn cảnh mà ông Thuân đề cập đã từng xảy ra vào giai đoạn trước năm 2011, tín dụng tại Việt Nam tăng trưởng nóng, thường xuyên vượt 20%/năm.

Theo đó, hệ thống ngân hàng mở rộng nhanh chóng; lãi suất điều hành và tỷ lệ dự trữ bắt buộc duy trì ở mức thấp trong giai đoạn 2000–2007 đã góp phần làm cung tiền tăng mạnh. Khi đó, nhiều ngân hàng chạy đua mở rộng tín dụng nhằm gia tăng thị phần và lợi nhuận, dẫn đến việc nới lỏng điều kiện cho vay, cạnh tranh lãi suất không lành mạnh.

Dòng tiền dễ dãi chảy vào thị trường bất động sản và chứng khoán, đẩy hoạt động đầu cơ, hình thành bong bóng giá tài sản và làm gia tăng lạm phát. Giá bất động sản và chỉ số chứng khoán đồng loạt tăng mạnh trong giai đoạn 2006–2007 và đạt đỉnh vào năm 2010. Đặc biệt, trong năm 2007–2008, tín dụng tăng gần 38% và lạm phát xấp xỉ 23%.

"Ở thời điểm đó, việc mở rộng tín dụng thiếu kiểm soát gây áp lực thanh khoản, làm suy giảm chất lượng tín dụng và gia tăng nợ xấu. Năm 2010, tỷ lệ tín dụng trên GDP vượt 135%, khiến các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các hãng xếp hạng tín nhiệm đồng loạt cảnh báo", ông Thuân cho biết. 

TẬP TRUNG CỦNG CỐ NĂNG LỰC AN TOÀN 

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Đại học VinUni cho biết một số tổ chức tín dụng lại không ủng hộ việc bãi bỏ "room tín dụng", bởi lẽ biện pháp này thực chất là một hình thức phân chia thị phần nên các ngân hàng gần như không cần cạnh tranh với nhau.

Tuy nhiên, nếu "room tín dụng" được dỡ bỏ, các ngân hàng có năng lực cạnh tranh mạnh sẽ ủng hộ, bởi họ có khả năng mở rộng thị phần. Ngược lại, những ngân hàng yếu hơn sẽ không mong muốn thay đổi, do họ khó cạnh tranh hơn trên thị trường tự do.

Thực tế cho thấy rằng hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng thương mại cổ phần. Vì vậy, nếu "room tín dụng" được dỡ bỏ, các ngân hàng thương mại nhà nước cũng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh lớn, đồng thời đối diện với nguy cơ bị thu hẹp thị phần.

Mặc dù vậy, Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank, nhận định việc dỡ bỏ "room tín dụng" được xem là một bước cần thiết để khơi thông cạnh tranh và nâng cao hiệu quả của thị trường tài chính. Tuy nhiên, cơ chế này cần được thực hiện linh hoạt theo sức khỏe hệ thống ngân hàng.

Theo đó, Thông tư số 14/2025/TT-NHNN ban hành ngày 30/6/2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là tiền đề quan trọng cho lộ trình xóa bỏ cơ chế phân bổ hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Đáng lưu ý, Thông tư này đã đưa ra các quy định về các bộ đệm vốn gồm bộ đệm bảo toàn vốn (CCB), bộ đệm vốn phản chu kỳ (CCyB) và bộ đệm vốn cho các ngân hàng thương mại có tầm quan trọng hệ thống.

Phó Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank cho biết việc các ngân hàng thương mại tuân thủ đầy đủ các quy định về tỷ lệ an toàn vốn và hệ thống kiểm soát nội bộ là điều kiện tiên quyết để Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét việc dỡ bỏ room tín dụng, qua đó trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, đi đôi với sự tự chủ đó là yêu cầu bắt buộc về năng lực quản trị rủi ro, nhằm bảo đảm hoạt động tín dụng phát triển một cách bền vững, giữ vững sự ổn định của hệ thống ngân hàng, ông Ngọc cho biết.