Hỗ trợ doanh nghiệp "tiên phong", tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu
Doanh nghiệp chúng tôi mong không cô đơn trên con đường trở thành doanh nghiệp tiên phong, đưa Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng…
Top 3 doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trao giải sáng kiến ESG (môi trường – xã hội – quản trị) tốt nhất đã chia sẻ như vậy tại Tọa đàm “Tiên phong tinh thần doanh nhân, kiến tạo Việt Nam bền vững” diễn ra ngày 13/10.
DOANH NGHIỆP DÁM “LIỀU”, DÁM TIÊN PHONG
Chia sẻ câu chuyện “tiên phong” trong việc áp dụng ESG đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa như Công ty CP sản xuất và xuất khẩu quế hồi (Vinasamex), bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc điều hành cho biết ban đầu, Vinasamex không định hình là doanh nghiệp tạo tác động xã hội, mà chỉ mong muốn bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt.
“Năm 2011, Vinasamex quyết định mở rộng thị trường xuất khẩu sang Ấn Độ nên có bao nhiêu tiền, công ty “ôm hết” để mua hàng dự trữ. Tuy nhiên, chỉ sau vài lô hàng bán được với giá cao, thị trường đóng cửa, Vinasamex không thể tiếp tục xuất khẩu. Hai năm sau, công ty xuất khẩu trở lại nhưng sản phẩm tồn kho không còn chất lượng tốt nên phải bán hàng với giá thấp hơn để thu hồi vốn”, bà Huyền kể.
Nhận thấy phải chuyển hướng kinh doanh bền vững hơn, Vinasamex quyết định thử sức ở những thị trường mới. Nhưng lúc này, công ty phải đối mặt với thách thức mới, đó là hàng trăm thậm chí hàng nghìn các quy định, tiêu chuẩn khác nhau về chất lượng sản phẩm.
“Vì vậy, nhiều đơn vị tư vấn đề nghị Vinasamex thử nghiệm trồng rừng hữu cơ với diện tích nhỏ ở giai đoạn đầu để từng bước tiếp cận thị trường mới. Tuy nhiên, với tinh thần “liều ăn nhiều”, chỉ sau 3 năm, Vinasamex đã có được chứng nhận hữu cơ cho diện tích hơn 1000 ha trồng quế và hồi”, bà Huyền chia sẻ.
Còn theo chia sẻ của ông Phan Thanh Lộc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Việt Nam Food (VNF), VNF xuất hiện khi nhìn thấy cơ hội từ ngành sản xuất phụ phẩm từ vỏ tôm.
“Mỗi năm, Việt Nam thải ra hàng trăm nghìn tấn phụ phẩm từ vỏ tôm. Chưa kể đến việc chưa tận dụng triệt để các phụ phẩm này để sản xuất glucosamin hay nguồn nguyên liệu đầu vào cho một số ngành sản xuất khác… thì còn phải tiêu tốn hàng đống tiền để xử lý nguồn phụ phẩm này để không gây ô nhiễm môi trường”, ông Lộc cho biết.
Vì vậy, VNF đã mạnh dạn đầu tư vào hệ thống máy móc hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thể cạnh tranh với sản phẩm của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. “Dù hiện giờ VNF có nhiều sản phẩm cạnh tranh “ngang cơ” với doanh nghiệp ngoại nhưng trong quá trình phát triển, cũng giống như Vinasamex, VNF cũng từng chịu “ngu phí” khi đầu tư “hớ” máy móc sản xuất”, ông Lộc nói.
Đối với Công ty CP HHP Global, bà Trần Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, cho biết vượt qua những định kiến không tốt về nhà máy sản xuất giấy và bột giấy, HHP Global đã và đang rất nỗ lực đầu tư xây dựng nhà máy giấy đầu tiên tại Việt Nam theo tiêu chuẩn công trình xanh.
“Cách đây vài năm, khi vốn của công ty chỉ khoảng 100 tỷ đồng, HHP vẫn quyết định đầu tư xây dựng nhà máy giấy theo tiêu chuẩn công trình xanh với quy mô hơn 1.200 tỷ đồng. Lúc ấy, nhiều tư vấn đề nghị HHP đầu tư ở mức vừa phải để nhanh chóng thu hồi vốn sau 5-7 năm nhưng chúng tôi vẫn quyết định làm lớn. Sau giai đoạn tái cấu trúc và chuyển sàn niêm yết, vốn của HHP đã tăng lên 180 tỷ đồng, 300 tỷ đồng và giờ đã lên 600 tỷ đồng và nhà máy đang trong giai đoạn hoàn tất vận hành thử nghiệm”, bà Phương cho biết.
CHÍNH PHỦ ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP
Dù hiện giờ Top 3 doanh nghiệp đạt giải sáng kiến ESG đã đạt được những thành công bước đầu nhưng trong quá trình ấy, các doanh nghiệp vẫn thấy “cô đơn” trên hành trình “tiên phong”, đưa Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng.
Bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ, để có được chứng nhận 1.000ha rừng hữu cơ, Vinasamex phải mất nhiều thời gian để thuyết phục người dân và chính quyền địa phương tin tưởng cùng hợp tác. Đến giờ, khi đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn mới từ những vấn đề liên quan tới thủ tục xây dựng và giao đất…
Trên hành trình trở thành doanh nghiệp tiên phong đầy khó khăn, đại diện Vinasamex mong muốn doanh nghiệp không còn đơn độc mà có sự đồng hành của chính quyền trong việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới thủ tục hành chính, tạo điều kiện để những mô hình kinh doanh mới phát triển và tạo ra giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Phan Thanh Lộc lại cho rằng với một quốc gia có quá nhiều phụ phẩm nông nghiệp như hiện nay thì VNF chỉ là một doanh nghiệp tham gia vào ngành sản xuất phụ phẩm từ nông nghiệp. Do vậy, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược cho ngành sản xuất này như phát triển khoa học ứng dụng gia tăng khả năng chiết xuất tinh chất từ phụ phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
“Chúng ta có hơn 400 nghìn người Việt đang học và làm việc ở nước ngoài, 1,2 -1,5 triệu sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học công nghệ hàng năm nhưng chúng ta có thực sự giải được những bài toán khoa học công nghệ ứng dụng cao hay chưa. Tôi tin là người Việt không thua người nước ngoài và chúng ta có thể làm được điều này!”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đánh giá cao những đóng góp của khoảng 910 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh tới sự phát triển của nền kinh tế, ồng Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang góp phần làm thay đổi “diện mạo” đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của sản phẩm “made by Việt Nam” trên trường quốc tế.
Là cơ quan tham mưu về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiều năm qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tinh thần tiên phong của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững, đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó, Thứ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục tham mưu Chính phủ hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
"Những nỗ lực hỗ trợ này hi vọng sẽ góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, qua đó đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đã có 22 doanh nghiệp được lựa chọn là doanh nghiệp tiên phong để nhận gói hỗ trợ được thiết kế riêng với tổng giá trị lên tới 150.000 USD; 3 doanh nghiệp có sáng kiến ESG (môi trường - xã hội - quản trị) tốt nhất còn được nhận các hỗ trợ có tổng trị giá lên tới 2 tỷ đồng để thí điểm triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững…
Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam cho biết đây là một trong những nỗ lực mà USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp thực hiện nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu nhằm kiến tạo một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng.
Trong hơn 2 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân với tài trợ từ USAID đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong, doanh nghiệp áp dụng thực hành ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.