09:11 06/10/2015

Hoàn thành đàm phán TPP, Obama thắng lớn

Diệp Vũ

Tuy vậy, ông Obama vẫn còn nhiều rào cản phải vượt qua để thỏa thuận này vượt “cửa ải” Quốc hội Mỹ

Tổng thống Mỹ Barack Obama.<br>
Tổng thống Mỹ Barack Obama.<br>
Việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 5/10 được xem là một thắng lợi lớn đối với chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tuy vậy, ông Obama vẫn còn nhiều rào cản phải vượt qua để thỏa thuận này vượt “cửa ải” Quốc hội Mỹ.
   
Mất 5 năm để đàm phán, TPP giữ vai trò trung tâm trong chính sách kinh tế của ông Obama trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Đối với đương kim Tổng thống Mỹ, TPP là một biện pháp để thúc đẩy chiến lược tái cân bằng chính sách đối ngoại của Mỹ về phía châu Á và duy trì lợi thế kinh tế của Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng lớn.

Thỏa thuận lịch sử

Bởi vậy, với tiến trình đàm phán được hoàn tất, TPP có thể sẽ giữ vai trò định hình nên di sản của ông Obama ngay vào thời điểm chỉ còn hơn một năm nữa là ông rời Nhà Trắng - tờ Washington Post đánh giá.

Sau khi các bộ trưởng đàm phán TPP tuyên bố đàm phán xong tại thành phố Atlanta của Mỹ, đại diện thương mại Mỹ Michael B. Froman đã miêu tả hiệp định này là một “thỏa thuận lịch sử”, giải quyết những thách thức về kinh tế và thương mại quốc tế trong thế kỷ 21.

Thỏa thuận này “giúp thiết lập những nguyên tắc cho đường đi của khu vực châu Á-Thái Bình Dương” trong những thập kỷ sắp tới, ông Froman nói với các nhà báo.

“Chúng tôi đã đạt được điều mà nhiều người cho là không thể đạt được”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Canada Ed Fast tuyên bố.

Trong thời gian diễn ra vòng đàm phán TPP lần này, tính cấp bách của việc đạt thỏa thuận càng gia tăng bởi cuộc bầu cử diễn ra ở Canada vào tháng sau và ở Mỹ vào năm tới. Những người phản đối TPP đã tiến hành biểu tình trong và ngoài khách sạn Westin ở Atlanta, nơi các bộ trưởng tiến hành đàm phán.

Trong những ngày đàm phán cuối cùng, đích thân Obama đã có những động thái can thiệp cá nhân. Ông đã có những cuộc điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo, bao gồm Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, nhằm tháo gỡ các nút thắt trong đàm phán. Những rào cản cuối cùng trong vòng đàm phán ở Atlanta nằm ở vấn đề bảo hộ sinh dược, sữa và ôtô.

Sau khi có tin hoàn tất đàm phán TPP, Obama đã bày tỏ sự vui mừng, nhấn mạnh rằng thỏa thuận này “phản ánh các giá trị của nước Mỹ” và “đưa người lao động Mỹ lên vị trí đầu tiên”.

Ông chủ Nhà Trắng nói, TPP sẽ giúp nước Mỹ “xuất khẩu thêm nhiều sản phẩm dán nhãn ‘Made in America’ ra khắp thế giới”.

Còn nhiều trở ngại

Nhưng dù TPP đã đàm phán xong, Tổng thống Obama vẫn còn phải vượt qua một số trở ngại nữa trước khi hiệp định này chính thức được phê chuẩn ở Quốc hội Mỹ.

Một số nghị sỹ Mỹ đã tỏ thái độ dè dặt với TPP sau khi tiến trình đàm phán kết thúc.

Thượng nghị sỹ Bernie Sanders thuộc Đảng Dân chủ bày tỏ sự thất vọng và cảnh báo rằng TPP sẽ khiến nước Mỹ mất việc làm và người tiêu dùng Mỹ thiệt hại.

“Phố Wall và các công ty lớn lại thắng”, ông Sanders nói và tuyên bố “sẽ làm tất cả những gì có thể để đánh bại thỏa thuận này” ở Quốc hội.

Chủ tịch Ủy ban Tài chính thuộc Thượng viện Mỹ, ông Orrin Hatch, một thành viên đảng Cộng hòa, cho biết ông lo TPP có thể sẽ không gỡ bỏ được hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm Mỹ. “Các chi tiết của thỏa thuận còn chưa rõ, nhưng tôi lo thỏa thuận này có nhiều thiếu sót”, ông Hatch phát biểu.

Cuộc bỏ phiếu thông qua TPP tại Quốc hội Mỹ có thể phải tới đầu năm 2016 mới được tiến hành.

Theo đạo luật đàm phán nhanh, các nghị sỹ Mỹ không được quyền thay đổi nội dung của TPP, nhưng cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội có thể sẽ diễn ra vào thời điểm bầu cử sơ bộ để chọn là đại diện của mỗi đảng cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Các ứng cử viên từ cả hai đảng đều phê phán chính sách thương mại Mỹ làm thay đổi trật tự nền kinh tế Mỹ, dẫn tới khoảng cách thu nhập ngày càng lớn.

Các nhóm phản đối TPP, bao gồm các tổ chức công đoàn, bảo vệ môi trưởng, và nhiều nghị sỹ Dân chủ đã tuyên bố sẽ tổ chức một chiến dịch cuối cùng để TPP thất bại ở Đồi Capitol.

TPP là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà Mỹ tham gia kể từ Thỏa thuận Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico vào năm 1993. Hiệp định này bắt đầu manh nha vào giữa thập niên 2000 khi Brunei, Chile, New Zealand và Singapore đàm phán một thỏa thuận thương mại quy mô nhỏ tầm khu vực.

Về sau, có thêm 8 quốc gia nữa, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Malaysia, Mexico, Peru và Việt Nam tham gia đàm phán.

Mỹ bày tỏ mong muốn tham gia đàm phán TPP vào năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush. Tuy nhiên, vào năm 2009, ông Obama dừng nỗ lực đàm phán TPP của Mỹ trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới.

Một năm sau đó, Mỹ quay lại đàm phán TPP. Cùng với đó, việc Nhật Bản tham gia đàm phán TPP vào năm 2013 đã đưa thỏa thuận này lên quy mô toàn cầu.

Nỗ lực của Tổng thống Obama nhằm đạt thỏa thuận TPP trong năm nay đã dẫn tới sự hợp tác hiếm hoi giữa Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo phe Cộng hòa nhằm thông qua đạo luật đàm phán nhanh (fast-track).

Đạo luật này quy định ông Obama phải đợi 90 ngày sau khi đàm phán xong TPP mới có thể ký vào thỏa thuận và gửi lên Quốc hội để bỏ phiếu thông qua. Trong khoảng thời gian đó, văn kiện thỏa thuận phải được công khai trong vòng ít nhất 60 ngày.