11:20 16/04/2021

Hơn 9 triệu lao động vẫn bị ảnh hưởng trong quý 1 vì Covid-19

Phúc Minh

9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 bao gồm: phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; giảm giờ làm và giảm thu nhập

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sáng 16/4 công bố báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý 1/2021.

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, nhưng trong quý 1/2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 - 54 chiếm gần 2/3.

Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6%, trong khi con số này ở nông thôn là 10,4%.

Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm (15,5%), chỉ có 4,3% lao động không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch này.

Xét theo 3 khu vực, ít chịu tác động nhất của đại dịch là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5% lao động chịu tác động tiêu cực, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động bị ảnh hưởng. Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4%.

Trái ngược với sự sụt giảm về việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý này đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339 nghìn đồng so với quý trước và tăng 106 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Về lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 1/2021 là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

So sánh với quý trước, Tổng cục Thống kê đánh giá sự sụt giảm trên là xu thế thường quan sát được trong nhiều năm kể cả những năm trước khi xảy ra đại dịch do tâm lý "tháng Giêng là tháng ăn chơi" của nhiều lao động sau kì nghỉ Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với cùng kỳ các năm trước. Thông thường, theo đà tăng dân số, lực lượng lao động năm sau luôn tăng so với cùng kỳ năm trước.

Dịch Covid-19 bùng phát ngay trước và trong dịp Tết nguyên đán cũng làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý 1/2021 là 971,4 nghìn người; tăng 143,2 nghìn người so với quý trước và tăng 78,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở quý này là 2,20%.

Trong khi đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi ở quý này là gần 1,1 triệu người, giảm 137 nghìn người so với quý trước song lại tăng 12,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Trái ngược với sự sụt giảm về việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý này đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339 nghìn đồng so với quý trước và tăng 106 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, bất chấp sự bùng phát của đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân của người lao động quý 1/2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước và tăng ở cả ba khu vực kinh tế.

Trong đó, thu nhập bình quân tháng người lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3,6 triệu đồng, tăng 181 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước, lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, tăng 112 nghìn đồng và thu nhập bình quân của lao động trong khu vực dịch vụ là 7,5 triệu đồng, tăng 55 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý 1/2021 so với cùng kỳ năm trước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 5,2%; khu vực dịch vụ có tốc độ tăng là 1,5% và khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 0,8%.

Mặc dù thu nhập bình quân chung tăng nhưng mức tăng này không đều giữa các ngành. Một số ngành vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và thu nhập của lao động trong ngành đó bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Đó là các ngành: nghệ thuật, vui chơi giải trí, giảm 5,2% (giảm 359 nghìn đồng); vận tải kho bãi giảm 2,7% (giảm 234 nghìn đồng).