09:56 18/03/2021

Hơn cả Bitcoin, NFT đang khiến thế giới "phát cuồng" thế nào?

Đức Anh

Trên thế giới, dân chơi nghệ thuật, người hâm mộ bóng chày, nhà sưu tầm... đang đua nhau đổ hàng triệu USD để mua các vật phẩm được đại diện bằng chuỗi mã NFT

NFT đang trở thành trào lưu thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư - Ảnh: Forbes
NFT đang trở thành trào lưu thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư - Ảnh: Forbes

Cùng với cơn sốt tiền ảo Bitcoin, thời gian gần đây, NFT trở thành mặt hàng mới nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. 

NFT (Non-fungible token) là một loại tài sản số sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) - tương tự như Bitcoin - để tạo ra một chuỗi mã độc nhất đại diện cho một vật phẩm nào đó và không thể thay thế. Các chuỗi mã này thường được dùng để định danh phiên bản số của các tác phẩm nghệ thuật, bài hát hay hiện tượng mạng. 

NFT được mua qua các cuộc đấu giá trực tuyến và được thanh toán bằng USD hoặc tiền ảo. NFT bất ngờ trở thành cơn sốt thời gian gần đây sau khi nhiều tác phẩm nghệ thuật số được bán với giá hàng triệu USD và giới nổi tiếng, lãnh đạo doanh nghiệp đua nhau tham gia vào thị trường. 

NFT LÀ GÌ?

Một NFT có thể đại diện cho bất cứ thứ gì, từ âm nhạc, nghệ thuật, thẻ bài bóng rổ hay thậm chí cả dòng đăng tải (tweet) trên Twitter. 

Đầu tháng này, nhóm nhạc rock Kings of Leon phát hành album mới nhất dưới dạng các chuỗi mã NFT. Hay Mike Winkelmann, một nhà thiết kế đồ họa, đã đưa lên sàn thương mại điện tử Nifty Gateway nhiều tác phẩm nghệ thuật phiên bản số dưới dạng NFT và thu về hàng chục triệu USD. Tuần trước, ông bán một tác phẩm số tại nhà đấu giá Christie's với giá 69,3 triệu USD. 

Cách đó không lâu, nhạc sĩ Claire Boucher, còn được biết đến là Grimes và cũng là bạn gái của tỷ phú Elon Musk, cũng bán được NFT của một tác phẩm nghệ thuật với giá 6 triệu USD. 

Hơn cả Bitcoin, NFT đang khiến thế giới "phát cuồng" thế nào? - Ảnh 1.

Một bức tranh ghép của Mike Winkelmann, còn được biết đến với biệt danh Beeple, bán đấu giá tại Christie’s - Ảnh: Getty Images

Tuy vậy, không phải mọi NFT đều là sản phẩm sưu tầm. NFT có thể là những vật dụng bán trong game, vé sự kiện và cả tên miền. Ví dụ, một số NFT của nhóm nhạc Kings of Leon là vé tham gia sự kiện âm nhạc của nhóm trong tương lai. 

Khả năng sử dụng của NFT không nằm ở những vật phẩm, như bức tranh, bài hát hay dòng tweet, mà nằm ở quyền sở hữu độc quyền chúng, được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT. Nhờ đó, món hàng trở thành duy nhất. Chỉ người mua NFT mới sở hữu quyền đối với vật phẩm gốc, dù có vô số bản sao trôi nổi miễn phí trên Internet. 

Ông Dan Kelly, chủ tịch của nền tảng Nonfungible.com, cho biết việc sở hữu một NFT giống như việc sở hữu bức họa Mona Lisa gốc. Dù có rất nhiều bản sao của tác phẩm này trên thế giới, chỉ một người duy nhất sở hữu bản gốc, ông nói. 

Mỗi chuỗi mã NFT được tạo ra từ công nghệ chuỗi khối đều là duy nhất. NFT có siêu dữ liệu xác nhận thời điểm chúng được tạo ra, ai là người tạo cùng nhiều thông tin mô tả khác. Do đó, dù có hàng nghìn NFT gắn liền với những vật phẩm trông có vẻ giống nhau, nhưng thông tin bên trong lại hoàn toàn khác nhau.

Nói về nguyên nhân NFT trở thành cơn sốt, ông Kelly cho rằng các nhà đầu tư mua NFT gắn với một sản phẩm nào đó với mục đích trở thành người sở hữu duy nhất, hoặc hy vọng giá của sản phẩm sẽ tăng để bán kiếm lời. 

NFT CÓ GIÁ BAO NHIÊU?

Các NFT có giá từ vài USD cho tới hàng chục triệu USD, đặc biệt là với những tác phẩm nghệ thuật số cao cấp. Gần đây, NFT của hiện tượng mạng có tên Nyan Cat với hình một con mèo có phần thân là một chiếc bánh Pop-Tart được mua với giá gần 600.000 USD. Hay NFT album âm nhạc của nhóm Kings of Leon được bán với giá 50 USD. 

Hơn cả Bitcoin, NFT đang khiến thế giới "phát cuồng" thế nào? - Ảnh 2.

NFT của hiện tượng Nyan Cat được mua với giá 600.000 USD - Ảnh: Coindesk

NFT của tác phẩm có tên Everdays: The First 5000 days của Mike Winkelmann mới đây được bán qua nhà đấu giá Christie's với giá hơn 69 triệu USD.

BA Top Shot - liên doanh giữa Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) và công ty blockchain Dapper Labs - đã tạo ra một nền tảng mà ở đó người hâm mộ thể thao có thể mua, bán và sưu tầm các NFT đại diện cho những video được cấp phép về trận đấu bóng rổ hay những vật phẩm liên quan. Nền tảng này thu về gần 150 triệu USD chỉ trong một tuần. Một người đã trả tới 175.000 USD cho các NFT thẻ bài bóng rổ và hiện giá trị của chúng là 20 triệu USD. 

CryptoPunks, một dự án cung cấp 10.000 bức vẽ NFT mở đầu cho trào lưu này từ năm 2017, vừa chứng kiến mức doanh thu tăng vọt lên 45 triệu USD trong một tuần. Trước đó, những bức hình NFT của CryptoPunks từng được cung cấp miễn phí.

Tỷ phú Mark Cuban, nổi tiếng với chương trình gọi vốn đầu tư Shark Tank của Mỹ, cũng tham gia thị trường này. Ông thu về số tiền khổng lồ nhờ bán nội dung số của đội bóng rổ Dallas Mavericks mà ông sở hữu. Thậm chí, YouTuber tai tiếng Logan Paul cũng gia nhập trào lưu bằng cácha bán các NFT video ngắn được cắt ra từ kênh YouTube của mình. Một NFT như vậy đã được trả hơn 20.000 USD. 

Nơi giao dịch NFT chủ yếu là các sàn thương mại điện tử, cho phép người mua đấu giá, mua và bán lại chúng. Tuy nhiên, kể cả trên các sàn nổi tiếng, nhiều người vẫn có thể bị lừa. Ông Kelly cho rằng cách tốt nhất để tránh bị lừa là chỉ mua NFT từ những người bán đã được xác minh. Ông nhấn mạnh rằng người mua nên xem việc giao dịch NFT giống như giao dịch trên sàn chứng khoán. 

"Nếu không có kinh nghiệm, đừng đầu tư nhiều hơn số tiền mà bạn sẵn sàng mất và hãy gắn chặt vào những mã 'bluechip'", Kelly nói. 

NFT THỰC SỰ CÓ GIÁ TRỊ?

Theo trang Coindesk, những tính chất tạo nên giá trị của NFT bao gồm: không thể phá hủy (bởi dữ liệu được lưu trữ trên chuỗi khối) và có thể xác minh (bởi blockchain cho phép truy xuất ngược nguồn gốc của sản phẩm mà không cần qua một bên thứ ba). Bên cạnh đó, không giống các loại tiền ảo, NFT là duy nhất và không thể sao chép. Do đó, các nhà đầu tư NFT có thể thu giá trị từ sự độc nhất này, tương tự như việc mua bán các món hàng sưu tầm. 

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng không ai thể bảo đảm giá trị của các đoạn mã token sẽ tồn tại sau vài chục năm tới bởi công nghệ luôn thay đổi mỗi ngày. Một vấn đề nữa đặt ra là nếu chủ sở hữu quên mật khẩu ví thì làm sao để lấy lại quyền sở hữu NFT bởi, cũng giống như tiền ảo, NFT không được quản lý hay vận hành bởi bất kỳ thực thể nào.

"Rủi ro là rất lớn", Nadya Ivanova, nhà quan sát NFT tại L'Atelier - công ty con độc lập của ngân hàng BNP Paribas - nhận định. "Điều quan trọng cần phải hiểu rằng NFT là thị trường còn rất mới và chúng ta sẽ phải trả qua vài chu trì mới xác định được giá trị thực sự của thứ gì đó".

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng việc mua bất kỳ loại tiền số nào, bao gồm chuỗi mã NFT, tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Bởi vì giá trị của chúng chủ yếu dựa trên sự suy đoán và người mua chỉ có thể hi vọng một ngày nào đó NFT của họ sẽ được mua lại với giá cao hơn. Nhưng chẳng có ai đảm bảo điều này.