10:03 04/07/2007

Hồng Kông: Nền kinh tế tự do nhất thế giới

Trung Việt

Hồng Kông vừa long trọng kỷ niệm 10 năm được trao trả về Trung Quốc, thực hiện “một nước hai chế độ”

13 năm liền Hồng Kông được bình chọn là nền kinh tế tự do nhất thế giới.
13 năm liền Hồng Kông được bình chọn là nền kinh tế tự do nhất thế giới.
Hồng Kông vừa long trọng kỷ niệm 10 năm được trao trả về Trung Quốc, thực hiện “một nước hai chế độ”.

Trải qua nhiều khó khăn, Hồng Kông vẫn giữ vững vai trò là một trung tâm tài chính-kinh tế hàng đầu thế giới, tổng kim ngạch thương mại tăng gấp hơn hai lần so với 10 năm trước; 13 năm liền Hồng Kông được bình chọn là nền kinh tế tự do nhất thế giới.

Trong 10 năm kể từ khi trở về với Trung Quốc sự phát triển của kinh tế Hồng Kông từng đối mặt nhiều thách thức, nhưng chính quyền Hồng Kông và chính quyền trung ương Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp mạnh, duy trì vị thế và đà tăng trưởng kinh tế của Hồng Kông.

Nhìn lại chặng đường gian khó

Ngay trong mấy tháng đầu vừa mới trở về với Trung Quốc, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á đã khiến Hồng Kông bị tổn thất nghiêm trọng, thị trường cổ phiếu và thị trường nhà ở sa sút dữ dội, kinh tế xuất hiện tình hình tăng trưởng âm.

Chính quyền Đặc khu Hồng Kông đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp kiềm chế sự xuống dốc của kinh tế. Huy động Quỹ ngoại tệ trị giá hơn 110 tỷ Đôla Hồng Kông để thu mua một số cổ phiếu địa phương, với mục đích là bảo hộ thị trường cổ phiếu cũng như giữ gìn sự ổn định tỷ giá hối đoái của Đôla Hồng Kông. Nhờ thế, từ quý hai năm 1999, kinh tế Hồng Kông đã được hồi phục dần, năm 2000, GDP của Hồng Kông đã tăng trưởng 10,2%.

Song sau đó, Hồng Kông lại đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, do bị tác động tiêu cực của sự kiện “11/9”, năm 2000. Thời điểm này, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu bắt đầu chậm lại, kinh tế Hồng Kông lại một lần nữa bị xuống dốc, bên cạnh đó, dịch SARS bùng phát vào năm 2003 cũng gây tác động mạnh tới các ngành du lịch, giao thông vận tải,... của Hồng Kông.

Chỉ riêng ba năm qua, kinh tế Hồng Kông trung bình mỗi năm tăng 7,6%. Năm 2003, tỷ lệ thất nghiệp với kỷ lục cao nhất trong lịch sử là 8,6%, gần đây đã giảm xuống còn 4,3%, là tỷ lệ thấp nhất trong 5 năm qua, nhờ đó sự phát triển mọi mặt của Hồng Kông đều có bước tiến khả quan. Dự trữ ngoại tệ năm 2006 xếp thứ bảy, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu xếp thứ chín thế giới.

Hồng Kông còn là cảng hàng không lớn của quốc tế và khu vực, mỗi tuần có khoảng 4.900 chuyến bay chở khách cùng 700 chuyến bay chở hàng định kỳ từ Hồng Kông đi 139 thành phố trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, hiện nay kinh tế của Hồng Kông trên đà phát triển tốt nhất trong 20 năm qua.

Xác định hướng đi cho tương lai

Về sự phát triển kinh tế trong tương lai, Hồng Kông sẽ tận dụng đầy đủ điều kiện của mình, trong đó kể cả kiện toàn chế độ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, môi trường huy động vốn tốt đẹp, quan hệ quốc tế rộng rãi v.v, để phục vụ cho các mặt như: nghiên cứu và phát triển dự án ứng dụng, chuyển đổi khoa học công nghệ, giao dịch về quyền sở hữu trí tuệ...

Tại buổi mít tinh chào mừng Hồng Kông trở về với Trung Quốc tròn 10 năm hôm 1/7, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đánh giá: 10 năm qua, Hồng Kông đã thu được bốn kinh nghiệm (bốn “kiên trì”) quan trọng như sau: một là kiên trì lý giải và quán triệt thực thi một cách toàn diện và chính xác phương châm "Một nước hai chế độ"; hai là kiên trì làm việc theo Luật cơ bản một cách nghiêm khắc; ba là kiên trì dồn sức vào phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh; bốn là kiên trì giữ gìn sự hài hòa và ổn định của xã hội.

Ông Hồ cũng cam kết, Chính phủ trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục quán triệt và thực thi phương châm "Một nước hai chế độ, người Hồng Kông quản lý Hồng Kông" và tự trị cao độ một cách bất di bất dịch, nghiêm khắc thực thi Luật cơ bản Đặc khu hành chính Hồng Kông. Đồng thời, thúc đẩy sự giao lưu hợp tác giữa đại lục với Hồng Kông.

Năm 2003, Trung Quốc đại lục và Đặc khu Hồng Kông đã ký Bản thỏa thuận hợp tác kinh tế thân thiện nhằm dỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan với các sản phẩm của Hồng Kông khi đưa vào Trung Quốc đại lục.

Nếu như tháng 6/1997 mới chỉ có 83 doanh nghiệp của Trung Quốc đại lục có mặt tại thị trường chứng khoán Hồng Kông thì đến tháng 5/2007 có 373 công ty lên sàn giao dịch Hồng Kông.

Các công ty của Trung Quốc cũng là động lực giúp Hồng Kông trở thành thị trường lớn nhất thế giới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), lần đầu tiên đánh bại hai đối thủ là Anh và Mỹ.