Hướng đi mới của doanh nghiệp xây dựng, xây lắp
Nhiều doanh nghiệp xây dựng, xây lắp đã và đang chuyển mình, tìm những hướng đi mới trong hoạt động kinh doanh nhằm đa dạng hóa nguồn thu và phát triển trong tương lai
Cùng với việc hoạt động tốt ở mảng kinh doanh cốt lõi, nhiều doanh nghiệp xây dựng, xây lắp hạ tầng đã và đang thu được kết quả thuận lợi khi tận dụng thế mạnh vốn có để phát triển lĩnh vực mới, tạo thay đổi trong cơ cấu kinh doanh.
Kết quả kinh doanh những tháng đầu năm 2018 của các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp hạ tầng đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Đa phần những kết quả này không chỉ được đóng góp bởi mảng hoạt động "gốc" mà còn đến từ những lĩnh vực mà doanh nghiệp mong muốn mở rộng trong tương lai như bất động sản, thủy điện, năng lượng sạch…
Một ví dụ điển hình là Công ty Cổ phần Đạt Phương (Mã chứng khoán: DPG). Doanh nghiệp này được thành lập từ 2002 với hoạt động chính là xây dựng dự án cầu đường. Công ty từng hợp tác với các nhà thầu nước ngoài thi công các công ty trình trọng điểm như cầu Cửa Đại - Quảng Nam, cầu Niệm 2 (Hải Phòng)…
Đây cũng là mảng ngách trong xây dựng hạ tầng mà các công ty chứng khoán nhận định có biên lợi nhuận cao hơn các loại công trình khác, trong khi thời gian thi công ngắn.
Dù có những lợi thế nhất định, tuy nhiên ngay từ ban đầu, ban lãnh đạo Đạt Phương đã đưa ra định hướng chiến lược gồm 3 mảng kinh doanh chính gồm: Xây lắp- Đầu tư thủy điện- Kinh doanh Bất động sản tùy từng giai đoạn, giảm phụ thuộc vào lĩnh vực xây lắp.
Từ đó, Công ty đã từng bước đặt những nền tảng trong lĩnh vực thủy điện với các dự án đầu tư gồm Thủy điện Sông bung 6, Thủy điện Sơn Trà 1 và tích lũy quỹ đất thống qua dự án BT để tham gia vào lĩnh vực bất động sản.
Công ty xác định đến 2020, cơ cấu doanh thu và lợi nhuận sẽ chủ yếu đến 2 mảng này, trong khi đóng góp từ lĩnh vực xây lắp sẽ rơi xuống cuối cùng.
"Điều này không có nghĩa, công ty không tiếp tục phát triển mảng xây lắp mà lý do là tốc độ tăng trưởng và giá trị đóng góp của lĩnh vực này sẽ không bằng mảng bất động sản và thủy điện trong tương lai", ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đạt Phương chia sẻ.
Thủy điện Sông Bung 6 (Quảng Nam) đã đóng góp đáng kể cho kết quả kinh doanh 2017 của Đạt Phương - Ảnh: N.M.
Ở mảng thủy điện, công ty con của Đạt Phương đang là chủ đầu tư và vận hành nhà máy thủy điện Sông Bung 6 và tiếp tục đầu tư xây dựng dự án thủy điện Sơn Trà. Trong đó, dự án thủy điện Sơn Trà 1A và Sơn Trà 1B dự kiến sẽ phát điện tổ máy 1 vào tháng 5 và tổ máy 2 vào tháng 6, trong khi dự án Sơn Trà 1C dự kiến khởi công vào tháng 6.
Nhờ lợi thế kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực xây lắp, các công trình này đều được Đạt Phương triển khai một cách bài bản, đạt hiệu quả cao, ngay cả với những hạng mục khó như thi công hầm thủy điện.
Với bất động sản, Đạt Phương đang có kế hoạch triển khai 5 dự án bao gồm Khu đô thị Đồng Nà (Bến Trễ) 6ha, Khu đô thị Võng Nhi 15ha, Khu đô thị Cồn Tiến 30ha, Khu đô thị Nồi Rang 25ha và khu đô thị ven biển xã Bình Dương 183ha. Trong đó, dự án Võng Nhi đã gần như hoàn tất xây dựng hạ tầng để mở bán.
Công ty ước tính, năm 2019 khi bắt đầu ghi nhận doanh thu từ mảng bất động sản và các dự án thủy điện vận hành hoàn thành sẽ vận hành cả năm, doanh thu của Đạt Phương có thể sẽ tăng 50-60%.
Đến 2020, bất động sản sẽ là nguồn thu chính của công ty. Trong quý 1, công ty mẹ Đạt Phương đạt doanh thu thuần và lợi nhuận tăng trưởng 50% và 100% so với cùng kỳ năm trước.
Có định hướng tương tự Đạt Phương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) cũng là đơn vị bắt đầu thay đổi từ rất sớm. Cũng khởi điểm là một doanh nghiệp xây dựng xây lắp, nhưng chỉ sau 4 năm đầu tiên hoạt động, Hà Đô đã "dấn thân" vào lĩnh vực bất động sản với hợp đồng đầu tiên. Sau đó, Hà Đô cũng tham gia vào lĩnh vực thủy điện và năng lượng sạch.
Theo số liệu 2017, mảng bất động sản đang chiếm 50% cơ cấu doanh thu của Hà Đô, mảng thi công hợp đồng xây dựng chiếm 26% doanh thu và mảng thủy điện đóng góp thứ ba chiếm 14%, phần còn lại đến từ một số hoạt động khác như cung cấp dịch vụ, khách sạn…
Một số dự án bất động sản lớn của Hà Đô có thể điểm tới như: Hà Đô Centrosa Garden, Hà Đô Parkside, dự án Noongtha Central Park tại Lào… Với dự án năng lượng, công ty đang đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 4, thủy điện Dakmi 2, dự án Nhạn Hạc, dự án điện mặt trời Hồng Phong 4…
Trong quý 1, Hà Đô ghi nhận doanh thu thuần tăng 35% so với cùng kỳ và lợi nhuận tăng gấp gần 7 lần lên mức 34,5 tỷ đồng.
Khác với Đạt Phương và Hà Đô, Công ty Cổ phần FECON (mã FCN) lựa chọn phát triển đổi mới trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng theo hướng "đi bằng 2 chân" với chiến lược vừa là người đầu tư và đơn vị thi công tại các dự án hạ tầng BT, không đơn thuần dừng lại là đơn vị làm thuê xây lắp.
Theo đó, FCN sẽ góp một phần "vốn mồi" để đầu tư dự án, kết hợp với các đối tác khác để thực hiện. Sau khi hoàn thành, FCN sẽ chuyển nhượng để thu hồi vốn. Bên cạnh đó, công ty cũng có tham gia vào dự án dưới hình thức góp vốn và cùng chia lợi nhuận với chủ đầu tư.
Song song, FCN cũng xác định phát triển mảng năng lượng sạch bao gồm lĩnh vực điện mặt trời, điện gió.
Công ty đang đầu tư dự án Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6, tại Bình Thuận. Đây là dự án được công ty hợp tác với Tập đoàn năng lượng ACWA Power đầu tư, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 1.500 tỷ đồng. FCN xác định Vĩnh Hảo 6 sẽ là dự án tiền đề để phát triển các dự án năng lượng sạch tiếp theo bao gồm 2 dự án điện mặt trời khác tại Bình Thuận và hướng tới dự án điện năng lượng gió.
Đến năm 2020, FCN đặt mục tiêu doanh thu chạm mức 6.454 tỷ đồng và lãi ròng khoảng 524 tỷ đồng.
Trong quý 1/2018, doanh thu của FCN tăng trưởng 44% và lợi nhuận tăng 30%.
Ngoài 3 đơn vị trên, nhiều doanh nghiệp xây dựng, xây lắp (CII, CTI, PC1…) khác đã và đang chuyển mình, tìm những hướng đi mới trong hoạt động kinh doanh nhằm đa dạng hóa nguồn thu và phát triển trong tương lai.