09:22 02/06/2008

IMF: Thị trường dầu vẫn căng thẳng

Lê Hường

“Các thị trường dầu mỏ thế giới có thể vẫn chịu áp lực thêm một thời gian nữa cho đến khi mức giá quá cao được điều chỉnh bởi các nguồn cung và nguồn cầu”

Tuần trước giá dầu đã đạt đỉnh cao lịch sử 135,09 USD/thùng, do lo ngại các nhà cung cấp sẽ phải chật vật để đáp ứng nhu cầu dài hạn.
Tuần trước giá dầu đã đạt đỉnh cao lịch sử 135,09 USD/thùng, do lo ngại các nhà cung cấp sẽ phải chật vật để đáp ứng nhu cầu dài hạn.
“Các thị trường dầu mỏ thế giới có thể vẫn chịu áp lực thêm một thời gian nữa cho đến khi mức giá quá cao được điều chỉnh bởi các nguồn cung và nguồn cầu” là nhận định được ông Simon Johnson, Chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) đưa ra ngày 30/5.

Tuần trước giá dầu đã đạt đỉnh cao lịch sử 135,09 USD/thùng, do lo ngại các nhà cung cấp sẽ phải chật vật để đáp ứng nhu cầu dài hạn. Ngày thứ 5, giá dầu giảm tương đối và lên lại mức 127 USD/thùng vào phiên giao dịch cuối tuần. Tính từ tháng 12 năm ngoái, giá dầu thô đã tăng 42%.

Trước áp lực giá dầu thế giới tăng mạnh, ngày 29/5, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ, ông Murli Deora cho biết, Chính phủ nước này sẽ quyết định tăng giá nhiên liệu trong 2 - 3 ngày nữa. Đài Loan, Indonesia và Sri Lanka đều đã tăng giá nhiên liệu trong nước. Cuối tuần vừa qua, Hàn Quốc cũng cho biết sẽ cắt giảm thuế nhiên. Cùng ngày, Thái Lan cho biết, nước này đang giảm giá bán nhiên liệu cho các công ty xe buýt sau 1 ngày đình công.

Giới phân tích cho biết, gián đoạn nguồn cung và sự mất giá của đồng USD so với những đồng tiền mạnh khác, đầu cơ là một trong nhiều yếu tố làm giá dầu tăng mạnh. Chính phủ Mỹ đã có chủ trương sẽ thanh tra thị trường dầu. Theo đó, một ủy ban chuyên trách của Chính phủ sẽ giám sát việc định giá trên thị trường dầu thô.

Ông Johnson cho rằng thị trường đang gặp căng thẳng trong khi nguồn cung ngắn hạn vẫn chưa hiện rõ, nếu một số nguồn cung cấp dầu bị gián đoạn hoặc một số nguồn cung dự kiến không được hiện thực hóa, sẽ đẩy giá dầu càng lên cao hơn nữa.

“Cá nhân tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều nguồn cung cấp dầu hơn mọi người vẫn nghĩ”. Chuyên gia này cũng cảnh báo, giá dầu thô cao sẽ đẩy lạm phát cơ bản tăng lên, đặc biệt ở những nền kinh tế mới nổi.

Trong một bài phát biểu gần đây, Phó giám đốc quản lý của IMF, ông John Lipsky đã khuyến cáo, lạm phát lại nổi lên như một thách thức toàn cầu, điều này một phần phản ánh tác động của giá hàng hóa và năng lượng tăng cao.

“Tốc độ tăng lạm phát hiện nay cần được xem xét nghiêm túc, vì vấn đề này có nguy cơ gây ra những thách thức đáng kể đối với sự ổn định kinh tế, điều này có thể làm xói mòn triển vọng phục hồi mối liên kết giữa tăng trưởng bền vững và lạm phát thấp phổ biến đầu thập kỷ này” Lipsky nói.

IMF cho rằng tăng trưởng thế giới trong năm 2008 sẽ chậm lại ở mức 3,7% so với mức 4,9% của năm ngoái. Johnson cho biết, IMF sẽ công bố dự báo về triển vọng toàn cầu vào cuối tháng 7.

Johnson nói, giá nhiên liệu và lương thực cao tác động mạnh đến những nước nghèo nhất trên thế giới, trong đó, khu vực nghèo nhất của xã hội sẽ bị tác động mạnh nhất. Trong bài bình luận trên Tạp chí Tài chính & Phát triển của IMF, phát hành vào tháng 5/2008, Johnson nhận định rằng, giá dầu và thực phẩm tăng cao làm giảm sự ổn định của nền kinh tế thế giới đang chậm lại.

Đồng thời, ông kêu gọi chính phủ các nước cần có những thay đổi về mặt chính sách để giải quyết vấn đề giá cả hàng hóa. “Chúng ta đã xây dựng một hệ thống năng lượng toàn cầu với các cỗ máy đang tự động mất ổn định, và đây không phải là một điều tốt”, ông nói.